Thế Đạo
Dù đối với bạn bè hay gia đình, chúng ta đều phải biết các giới hạn của chúng ta nằm ở đâu. Trung dung (một trong những đạo của Khổng Tử) là tốt nhất. Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp các tình huống gây bối rối.
Cha mẹ quá yêu thương con, nhưng điều ấy lại chỉ đẩy họ xa đứa con mình. Bạn bè thân cận, gần gũi hết mức, nhưng lại thường kết thúc bằng việc làm tổn thương lẫn nhau. Có người tìm mọi cách cố gắng cải thiện mối quan hệ gần gũi hơn với cấp trên và các đồng nghiệp của mình, nhưng kết quả thường hoàn toàn ngược lại. Khổng Tử khuyên rằng chúng ta phải giữ một khoảng cách nhất định với bạn bè hoặc với người trên của ta, và phải biết đâu là ranh giới nằm giữa sự thân cận và xa lạ.
Sự độc lập và một khoảng cách tôn trọng là thiết yếu đối với phẩm giá của một cá nhân. Nó phải được duy trì, cho dù là giữa những người thân thiết với nhau. Đối với cả bạn bè lẫn gia đình chúng ta cũng vậy. Bằng cách cho họ “khoảng không” cần thiết, chúng ta sẽ nhận ra những chân trời mới vốn luôn mở ra trước mắt mình.
“Những điều mình nghe được rõ ràng, mình nên nói một cách dè dặt” có nghĩa là phải cẩn thận khi bàn luận về những gì mình đã nghe, kể cả những phần mà mình nghĩ là đã hiểu rõ.
“Nên thấy cho nhiều. Những điều mình thấy chẳng rõ, có thể nguy hại thì để qua một bên, đừng có làm” nghĩa là hãy nhìn xung quanh mình và để qua một bên những gì mình còn chưa chắc chắn. Sự lẫn lộn cũng như hầu hết những sai lầm con người gặp phải là kết quả của một tầm nhìn bị giới hạn: “Làm thế nào một con ếch ngồi đáy giếng có thể hiểu được sự bao la của đại dương hay sự cao rộng của bầu trời?”
Dù ở đâu, chúng ta cũng có thể để sức mạnh tinh thần của các bài học kinh điển xưa hòa quyện với những luật lệ và các quy tắc đương đại, để nó trở thành một thành tố không thể thiếu trong cuộc sống của mình
Đạo Bằng hữu
Nếu muốn hiểu ai đó thì chỉ cần nhìn vào bạn bè của họ, bạn sẽ biết các giá trị và ưu tiên của họ. Khổng Tử nói rằng: “Có ba loại bạn có ích và có ba loại bạn có hại. Bạn ngay thẳng, bạn tín nghĩa, bạn nghe nhiều học rộng. Đó là ba loại bạn có ích cho mình. Bạn giả dối, bạn khéo chiều chuộng, bạn hay xảo mị. Đó là ba loại bạn có hại cho mình.”
Người ta kết giao với những người bạn khác nhau trong mỗi giai đoạn của cuộc đời. Thay vì đấu tranh với những người khác, tốt hơn là nên tranh đấu với chính mình và cố gắng tìm những hướng đi mới để hoàn thiện bản thân. Hãy kết giao với những người bạn biết sốnghạnh phúc và vui vẻ trong cuộc đời của họ như họ đang sống lúc này.
Đạo của Chí hướng
Thành công trong nghề nghiệp chuyên môn của chúng ta không hẳn là ý hướng thực sự của tâm hồn ta. Khi Khổng Tử bàn về “Chí” với các học trò của mình, ngài không có ý nói rằng chí càng cao thì càng tốt. Mà điều ngài thực sự muốn nói là chúng ta phải kiên định trong mục đích và giữ thái độ kiên trì đối với sự xác tín nội tâm của mình.
Dù các mục tiêu của ta vĩ đại hay nhỏ bé thì cơ sở để thực hiện hóa chúng vẫn nằm ở việc tìm ra những điều gần gũi nhất với tâm hồn mình. Việc để tâm hồn ta dẫn đường quan trọng hơn việc theo đuổi những thành tích bên ngoài.
Đạo “Chí hướng” sẽ mang lại cho ta một xuất phát điểm cố định và có thể tiếp cận được, một suối nguồn và kho chứa niềm hạnh phúc bên trong.
Đạo Nhân sinh
“Tri thiên mệnh” là thái độ kiên định theo đuổi một mục đích mà chúng ta có thể dùng để ứng đối với thế giới bên ngoài. “Hiểu thông, thấu đáo những gì nghe được” là một sự cảm thông với thế giới và với mọi người trong thế giới ấy, tức là thái độ thấu hiểu và khoan dung.
Dù chúng ta ở đâu, chúng ta cũng có thể để sức mạnh tinh thần của các bài học kinh điển xưa hòa quyện với những luật lệ và các quy tắc đương đại, để nó trở thành một thành tố không thể thiếu trong cuộc sống của mình, để mỗi người có thể xây dựng cho mình một cuộc sống có giá trị. Đây chắc chắn là ý nghĩa tối hậu mà tư tưởng của Khổng Tử mang đến cho chúng ta trong cuộc sống hôm nay…
Người gửi: Như ý
Nguồn: xitrum