Trong 1.800 đền đài thời kỳ Angkor được xây dựng qua 27 triều vua, vẻ đẹp điêu khắc của Banteay Chmar nay vẫn còn là ẩn số chưa được giải đáp. Ngôi đền còn lưu lại khá nhiều những nét điểu khắc được xem là độc đáo nhất của thời kỳ Angkor.
Thần Vishnu 32 tay, mảng điêu khắc độc đáo nhất về thần Vishnu trong kiến trúc xây dựng Angkor
Cách cố đô Angkor 160km về hướng tây bắc, trong huyện Thmo Bork tỉnh Banteay Meanchay, đền Banteay Chmar được xây dựng vào thế kỷ 12 dưới triều vua Jayavarman VII để tưởng nhớ người con trai của mình tử trận trong cuộc chiến với đạo quân Champa. Ngôi đền thờ Phật Thích Ca, với lối kiến trúc Bayon – một trong 12 lối kiến trúc tiêu biểu thời kỳ Angkor – nơi đây vẫn còn những gương mặt Bayon nguyên vẹn hiện hữu trong các tháp chính của đền.
Đền đã sụp đổ đến 70%, hầu hết tường thành bao quanh và các tháp chính trong đền nay chỉ còn là những khối đá nằm ngổn ngang. Do quá xa với những cụm đền đài ở Angkor, nên ngôi đền rất hiếm khách du lịch. Nguồn tài liệu nghiên cứu về đền gần như không có, kể cả tiếng Campuchia, chỉ một số rất ít tài liệu bằng tiếng Pháp.
Đền Banteay Chmar xây nên mang ý nghĩa tưởng niệm, các nghệ nhân đã thổi hồn vào đá bằng ngôn ngữ kể chuyện độc đáo thể hiện khắp bốn mặt tường thành. Từ cửa đông, bên trái cổng chính là tường thành còn khá nguyên vẹn bức điêu khắc tả cuộc chiến giữa quân Khmer và quân Champa. Một cuộc chiến dai dẳng bằng bộ binh dẫn đến nhiều lần thất bại và kết quả đau đớn nhất là con trai của nhà vua Jayavarman VII hy sinh. Đoạn điêu khắc tiếp theo miêu tả cuộc chiến có bộ binh và thuỷ binh – lực lượng quân đội đánh thuỷ lần đầu tiên được nhà vua Jayavarman VII sử dụng và giành chiến thắng vang dội trước đạo quân Champa. Câu chuyện này chính là nơi xuất phát sự tích đua
ghe ngo của người Khmer cho đến tận bây giờ.
Đi qua cổng đông, vào phần tháp chính của đền nay còn lại những gương mặt Bayon mỉm cười huyền bí dưới những tảng đá sụp đổ lăn lóc, chồng chất khắp trong đền. Những bức tượng khuôn mặt tiên nữ Apsara có thân hình chim thần Garuda, gọi là Kenor – nàng tiên nữ có cánh, điêu khắc dưới các trụ tháp làm nổi bật vẻ đẹp và sự huyền bí giữa im lặng của đổ nát trong rừng sâu. Nổi
bật nhất ở khu đền chính là các bức tượng chim thần Garuda lớn đứng san sát nhau, chống đỡ lên các bức tường thành như nâng cả ngôi đền lên cao, toát nên vẻ uy nghiêm của một đền đài dưới triều vị vua hùng mạnh nhất đế chế Angkor.
Sang đến mặt thành phía tây nơi tượng thần Vishnu độc đáo nhất thời kỳ Angkor được điêu khắc ở đây. Vị thần hiện diện hai bên một cổng nhỏ, một bên tạc tượng thần 32 tay, bên còn lại tạc tượng thần 20 tay, khác hẳn với những điêu khắc thông thường về tượng thần Vishnu có bốn tay hoặc tám tay. Dù đã tra cứu qua nhiều nguồn tài liệu, tham khảo những người am hiểu về điêu khắc Angkor, ngay cả hỏi nhóm các nhà khoa học đang khai quật và trùng tu Banteay Chmar về tượng thần Vishnu độc đáo này họ cũng không lý giải được.
Ở tường thành phía nam của Banteay Chmar lại là chuỗi điêu khắc gắn liền với lịch sử cuộc chiến giữa đạo quân Champa và Khmer. Tường thành này miêu tả phần hậu chiến, những người lính thắng trận của quân đội Khmer dâng lên các tướng lĩnh những thủ cấp của kẻ thù.
Một bức điêu khắc kỳ lạ khác được tìm thấy ở tường thành phía bắc của Banteay Chmar, hình người khổng lồ mặt tựa Kala đang giang tay kéo cả xe ngựa vào miệng nuốt. Anh Lim – một người đã đi gần như khắp đất nước Campuchia để tìm hiểu về điêu khắc cũng như những câu chuyện xây dựng các ngôi đền để phục vụ cho luận văn tốt nghiệp đại học, hiện là một hướng dẫn viên du lịch gạo cội về đền đài Angkor cũng sững sờ vì chưa từng thấy qua hình tượng điêu khắc nào kỳ lạ như vậy.
Ở Banteay Chmar, những tường thành nguyên vẹn với các hình tượng điêu khắc độc đáo chỉ mới là mở đầu của câu chuyện ngôi đền, vẫn còn nhiều những điêu khắc đẹp đang nằm im lìm dưới đống đổ nát đang chờ đợi khai quật, phục chế.
Và chúng tôi hiểu, cho đến giờ, vẻ đẹp của những nét điêu khắc ấy vẫn còn nhiều huyền bí chưa được giải mã, và theo lẽ tự nhiên, cái gì càng đẹp càng huyền bí, càng trở nên hấp dẫn. Nói riêng về điều ấy có lẽ chỉ có thể là đền đài dưới đế chế Angkor.
Mảng điêu khắc phần hậu chiến với chiến thắng thuộc về đạo quân Khmer
Một mảng điêu khắc lạ hình tượng quỷ dữ nuốt cổ xe ngựa đến nay vẫn chưa có lời giải đáp
Khuôn mặt Bayon lặng lẽ trong khuôn viên đền
Hình ảnh quen thuộc trong phế tích Angkor: cây nuốt đền ở Banteay Chmar
Những mảng điêu khắc đa dạng hiện diện khắp các tường thành
Các nàng tiên nữ Kenor trong điệu khắc của Banteay Chmar
Theo kientrucvadoisong.net