Bí quyết dán mi giả thật đơn giản mà sành điệu

 

Tôi không thể dán mi giả!!! Có những người chỉ mất vài chục giây để dán mi giả, có người mất hàng giờ. Sự khác biệt ở đây là:

1. Bạn không thực hành nhiều. Hãy tập dán mi giả bất cứ lúc nào có thời gian rảnh để nâng cao tốc độ của bạn.

2. Bạn mua phải loại gel dán mi giả kém chất lượng. Nên chọn mua gel dán mi của những thương hiệu nổi tiếng (như Duo gel), chúng sẽ khô nhanh sau 15-30 giây và giữ mi giả cuả bạn không bị rơi rụng khi chớp mắt.

3. Bạn dán ngay mi khi mới mua mà không xử lý để chúng thích hợp với khuôn mắt. Hãy đo độ dài của mi vào mắt để cắt chúng vừa với phần mi thật của bạn (có thể cắt ngắn chỉ bằng ¾ chiều dài của mắt). Tiếp đó, có thể dùng dao lam gọt bớt phần cạnh của mi giả cho thật mỏng: phần cạnh này chính là lý do khiến mi giả dễ bị trượt khỏi mắt. Phần cạnh càng mảnh thì bạn càng dễ áp và uốn mi giả theo chiều cong của mắt.

4. Bạn không uốn mi giả trước khi dán. Hãy cuộn mi giả qua các ngón tay và điều chỉnh độ cong của nó để thích hợp với độ cong của măt.

5. Bạn đứng trước gương để dán mi và hai khuỷu tay không có điểm tựa nào. Rắc rối có thể bắt đầu từ đây bởi hầu hết mọi người dán mi khi họ đứng. Hãy thử đặt một chiếc gương nhỏ xuống mặt bàn, đặt hai khuỷu tay lên bàn, hơi cúi đầu xuống, giữ cho mắt nhìn xuống gương khi bạn dán mi vào đó. Góc độ này sẽ khiến mọi việc dễ dàng hơn rất nhiều và bạn sẽ thấy chính xác vị trí của hàng mi.

Mi giả thiếu tự nhiên

1. Một lần nữa, hãy xem xét lại chất lượng mi giả mà bạn đã mua. Bạn không thể đòi hỏi sợi mi giả mềm mại như thật nếu chỉ muốn bỏ ra vài chục ngàn ở các hàng mỹ phẩm tổng hợp giá rẻ. Chưa kể, mi giả giá rẻ sẽ khiến bạn loay hoay hàng giờ vì chúng có phần cạnh siêu cứng, rất khó uốn cong và rất khó áp vào mắt một cách dễ dàng.

2. Trong khi đó, những thương hiệu như M.A.C, hay Ardell sẽ cung cấp những loại mi giả có cấu trúc mi tự nhiên, sợi mềm như mi thật với mật độ thưa dày tuỳ chọn.

3. Bạn không kẻ eyeliner và chuốt mascara sau khi dán mi. Hai việc này giúp giảm thiểu sự thiếu tự nhiên của mi giả bởi chúng sẽ tạo ra sự hoà trộn tuyệt hảo giữa phần tiếp xúc của mi giả và mi thật.

4. Bạn quá “tham” khi chọn loại mi giả dày nhất có thể. Mi giả quá dày và dài sau khi được chuốt mascara sẽ tăng độ dày lên ít nhất 20%. Bạn sẽ sở hữu một đôi mắt nặng trịch.

5. Bạn chưa biết chọn loại mi giả phù hợp với kiểu mắt. Một đôi mắt tròn không cần hàng mi giả quá dày vì nó thực sự sẽ làm cho mắt nhìn nhỏ hơn. Mắt hình hạnh nhân sẽ rất tuyệt nếu mi giả dày đậm ở đuôi mắt nhưng thưa dần về hốc mắt. Mắt một mí thoải mái chọn mi giả vì loại phụ kiện này sinh ra chính là để phục vụ kiểu mắt này.

Tip cho mi giả dễ dàng hơn

Thay vì dùng toàn bộ một chiếc mi giả, hãy cắt mi giả thành hai phần. Và bạn chỉ cần ½ chiếc mi giả cho mỗi bên mắt. Dùng nhíp đưa ½ chiếc mi này áp vào đuôi mắt, khi đó mi giả sẽ có cạnh gần như một đường thẳng nên việc này sẽ dễ dàng hơn nhiều. Đợi 15-20 giây cho đến khi gel khô hẳn, hoặc dùng ngón tay ấn nhẹ cho mi giả dán vào đuôi mắt. Dùng eyeliner và mascara chuốt lại một lần để hoà trộn.
Nếu bạn vẫn thất bại với mi giả truyền thống, lời khuyên cuối cùng là hãy tìm đến với mi giả dạng sợi riêng lẻ (còn gọi là mi bụi hoặc individual false lash). Mi giả dạng này thiết kế thành những cụm mi nhỏ, tiện lợi và dễ dàng hơn vì bạn chỉ việc đưa gốc mi vào xen kẽ giữa vị trí mi thật mà mình mong muốn.

Mi giả có từ khi nào?

Năm 1916, trong khi quay phim “Cố chấp”, đạo diễn DW Griffith nghiên cứu một nữ diễn viên trong bộ trang phục Babylon và cảm thấy có điều gì đó không đúng. “Mắt Seena Owen nhìn thường quá – ông nói – tôi muốn nó lớn gấp hai lần, trông phải thật “siêu nhiên”. Nghệ sỹ hoá trang được lệnh tạo ra một cặp mi giả từ tóc và dán bằng kẹo cao su lên mí mắt của Seena Owen. Mấy hôm sau, mắt của nữ diễn viên sưng húp lên vì viêm. May thay, những cảnh quan trọng nhất đã được quay xong. Chỉ trong 10 năm tiếp theo, mi gỉa đã trở thành một phụ tùng không thể thiếu để nữ diễn viên Hollywood có đôi mắt ấn tượng hơn trên màn ảnh.

Vậy DW Griffith có phải là người đã phát minh ra mi giả? Thực tế thì không. Rất nhiều nghệ sỹ make up đã nghĩ ra việc này sớm hơn nhiều. Năm 1911, một phụ nữ Canada là Anna Taylor đã nhận được một bằng sáng chế Mỹ cho lông mi nhân tạo bằng những sợi tóc mảnh. Trước đó thì Charles Nestle (người Đức) đã sản xuất lông mi giả trong những năm đầu thế kỷ 20 và sử dụng lợi nhuận từ doanh số bán hàng để tài trợ cho phát minh tiếp theo của mình – uốn tóc xoăn vĩnh viễn. Năm 1915, Nestle đã mở một salon tóc ở New York với dịch vụ đi kèm là dán mi giả. Nhiều người đàn ông khá bức xúc với dịch vụ này. Một tạp chí dành cho nam năm 1921 thậm chí còn cảnh báo: “Khi một quý cô liếc nhìn bạn sau hàng mi dày đậm, cong vút mê hồn của cô , đừng vội gục ngã. Đó có thể là đồ giả!”.

Miusu / Nguồn: CHECK MỸ PHẨM