Câu chuyện của họ không phải là mấy bài tiểu luận sắp đến hạn trình cho thầy, mà cả nhóm đang nhìn vào một diễn đàn, mấy ngón tay khua khua những "còm men" nóng hổi thời sự. Trên diễn đàn, một cậu ấm khoe chiếc ô tô tiền tỷ vừa được bà nội tặng nhân ngày sinh nhật.
Chiếc xe được một tài xế lái từ TP.HCM ra Hà Nội, trên xe còn có một con cá ngừ đại dương tươi rói để làm món sushi đặc biệt cho bữa tiệc sinh nhật. "Sang chảnh" là hai từ mà nhóm thanh niên này nói đến nhiều nhất với không ít ánh mắt khát khao.
"Sang chảnh" và "độc đáo" là những cách thể hiện họ tìm kiếm, học hỏi từ các diễn đàn kiểu như "Cậu ấm Hà Thành", "Sài Gòn tiểu thư” để làm giàu vốn sống sao cho sành điệu và biết… phấn đấu.
Những câu chuyện kiểu như tổ chức sinh nhật trọn gói đặc biệt cho các tiểu thư với nhóm bạn thân ở nước ngoài là một dịch vụ các khách sạn ở Singapore mời chào các nhóm người Việt trẻ không ngại chi tiền cho các kịch bản độc đáo.
Và như trào lưu, Sapa, Đà Lạt cũng bắt đầu học làm các đêm kỷ niệm đặc biệt cho khách hàng chịu chi, mà phần lớn là đáp ứng trí tưởng tượng của những người chưa bao giờ làm ra tiền nhưng không hề biết tiếc tiền.
Giới trẻ ngày nay dường như không được dạy cách tiêu tiền. Bắt đầu vào Hè, hàng loạt các khóa vui chơi hè đỉnh cao được quảng cáo ầm ĩ cho thấy một xã hội tiêu dùng kỳ dị.
Trên Facebook, các ông bố, bà mẹ trẻ đua nhau đăng hình con đi trại hè do lớp học tiếng Anh tổ chức ở Úc, tham dự học kỳ quân đội, hay tạo dáng ở lớp học bơi trong khách sạn 4, 5 sao, những cuộc chia tay đầy hãnh diện ở các sân bay quốc tế.
Đến việc học làm nông dân cũng rất "đẳng cấp", các cậu ấm, cô chiêu được đưa đến các khu vườn đẹp như tranh mẫu, rồi tưới vài cái cây, bắt con sâu, con bướm, rồi ăn đặc sản địa phương, chủ yếu là cha mẹ sung sướng nhận được vài chục tấm hình đứa con đang học tiểu học bụ bẫm, xinh đẹp chụp ở nơi chân lấm tay bùn, hưởng cảm giác mình có nhận thức cao trong việc giáo dục con biết yêu lao động. Những đứa con luôn là "vật trang trí” cho chính cha mẹ chúng dưới hình thức "niềm tự hào giáo dục".
Không ai nhận thấy các hoạt động giáo dục của thị trường cung cấp dịch vụ đều tốt, chẳng qua do cách sử dụng dịch vụ và thái độ của người lớn đã tạo ra một tính cách mà ngày nay nhiều gia đình than thở là con họ mắc phải "hội chứng con nhà giàu".
Một người mẹ nói chị cõng ước mơ của con như một gánh nặng tâm lý quá sức. Tất cả những gì con muốn đạt được đều không bằng nỗ lực tự thân, mà chỉ là khả năng chi tiền của cha mẹ. Mọi kế hoạch cuộc đời đều sắp xếp dựa trên khả năng tài chính, coi đó là bệ phóng tất yếu cha mẹ phải chuẩn bị.
Không vào được trường công thì đã có trường tư, không học được trong nước thì có sẵn con đường du học. Cứ cầm mảnh bằng về là cha mẹ lại vận dụng các mối quan hệ hoặc sẵn công ty gia đình đẩy con vào.
Người mẹ nói trên than thở có ngày chị nghe đến hai lần cô con gái 26 tuổi càm ràm công việc không thích hợp và dọa dẫm sẽ bỏ việc. Có người mẹ cả buổi sáng lo lắng, bồn chồn vì gọi mãi mà ông con quý tử không chịu dậy đi làm. Không thể hiểu nổi tại sao đứa con đã gần ba mươi tuổi mà mẹ vẫn phải "kèm cặp" như đứa trẻ học mẫu giáo.
Cứ thế, niềm tự hào ảo về đẳng cấp được nuôi dưỡng mọi nơi mọi lúc, cả cách học, cách chơi, cách ứng xử với bản thân và xã hội đều đặt trên một đẳng cấp ảo nào đó và nhận thức dần méo mó.
Nhưng nhiều người vẫn cứ tiếp tục "bơm" cái ảo tưởng đó vào đứa con đã lớn, lúc nào cũng đặt con vào vị trí quá cao so với khả năng thực tế như một món quà cha mẹ tiếp tục tặng cho con, làm cho đứa con vừa hết tuổi ham chơi lại bắt đầu ham địa vị, quyền lực mà bản thân không gánh vác nổi trách nhiệm được giao.
Rất nhiều người trẻ chỉ với tấm bằng đại học đã được in danh thiếp với chức danh "Phó tổng", hoặc làm chủ những chuỗi nhà hàng có thương hiệu mặc dù cha mẹ vẫn phải cày tối mắt để duy trì sự bền vững của sản nghiệp.
Nhìn những "hội chứng thành đạt" như thế không khỏi nghĩ đến chuyện rất phổ biến hiện nay: Những lễ tốt nghiệp trường mẫu giáo được tổ chức "sang chảnh" như lễ nhận bằng cử nhân, những buổi nhận giấy chứng nhận hoàn thành khóa học bơi thiếu nhi tổ chức rình rang và phù phiếm như một sự kiện thể thao nhà nghề. Không ai thấy buồn cười, từ phụ huynh đến thầy cô, tất cả đều nở nụ cười thỏa mãn!
Nguồn: DNSG / C.A.M Media