Nói dối được xếp vào loại chuyện muôn thuở của loài người nếu không nói đó là một căn bệnh. Hậu quả của nói dối đôi khi vô thưởng vô phạt mà lắm lúc cũng tai hại chết người. Thử hỏi có ai trong cuộc đời chẳng bao giờ nói dối. Tôi nói dối vì “sự thật mất lòng”, hay vì che đậy những điều bất lợi cho ta cho người, v.v…, âu đó cũng là cái khẩu nghiệp
Tôi thường hay phải nói dối, dối chính mình – dối với người, không phải sợ lộ cái dốt của mình hay che đậy mưu đồ gì cả, kỳ thực tôi sợ người ta không tin tôi và sợ người ta buồn lòng. Lắm lúc nghĩ cũng hay, ông bà xưa khuyến cáo “Đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt” nên xét lại nói dối nhiều lần khiến mình nghĩ đó là sự thật làm mình hoang mang lo lắng, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí bị chứng thiếu máu não vì “stress” mất! Tựa như gần chục năm đọc tụng mãi một bài kệ sai chữ thiếu câu nay muốn sửa lại cho đúng quả thật là khó.
Cách đây mấy hôm, tôi rất hoan nghênh khi đọc tin thấy Nhà nước và GHPGVN đề nghị không đốt rải vàng mã trên đường đưa tang vì nhiều lý do chính đáng dù cho đây là chuyện “nghe rồi nói mãi”, cũng có thể vì cái mê lầm của thiên hạ đã vô tình đốt đi hàng triệu, hàng tỷ đồng mỗi năm cho sự đối đãi giữa người sống và người chết hay phô trương “lực lượng” làm giàu cho một giới kinh doanh “âm bản”. Chuyện như thật! Theo dấu chân thế kỷ ảnh hưởng tư tưởng “thờ người chết như thờ người sống” (sự tử như sự sinh) rằng có người cõi âm hiện về báo mộng than thở “ở dưới đây đói quá, thiếu tiền, thiếu nhà, thiếu xe, thiếu cả điện thoại di động… thiếu đủ thứ nên đề nghị người thân trên cõi dương gian này gởi xuống để có xài”. Người sống gởi nhiều lắm nhưng chẳng thấy hồi âm và tự an ủi mình lấy đó để nhẹ lòng xem như một hình thức báo ân, dẫu biết khi người ấy còn trên thế gian này lại bị mình đối xử “ke re kít rít”, so bì ăn chặn xén bớt này nọ.
Thật ra, nhìn nhận cho rõ mình sống với cái không thật, học và hành là hai chuyện khó hít nhau dầu đó là cục nam châm, với cái luật lệ kỷ cương, ý thức vì cái chung của cõi Ta-bà mình đang sống vẫn còn kém lắm (không phải bởi vì nghèo nên thế). Cấm đổ rác, ta vẫn lén lút đổ, trên xe vất bao bì thải xuống mặt đường là chuyện thường dẫu biết có giỏ thùng rác công cộng bên cạnh, như nhìn lũ thanh niên “khoe rằng có học” chạy vù vượt đèn đỏ tự khoái trá tự hào mặc cho nhà trường hay cảnh sát giao thông trăm lần nhắc nhở lỡ bề gây tai nạn. Đó có phải là mình tự dối mình khi không dặn lòng luôn sống trong chánh niệm hay cái tật đố “đánh trống bỏ dùi” nay có mai không?
Đức Phật từng dạy La-hầu-la về nói dối như “nước rửa chân không uống được, chậu rửa chân không dùng để ăn cơm được”. Phật dạy thế nhưng mình không cực đoan nếu đứng trong trường hợp “sinh tồn”, phải làm sao cho sự dối kia biến thành lợi lạc, cứu giúp sinh linh xem như một hình thức vô úy thí thậm chí phải hy sinh bản thân mình như chuyện kể “Nguyễn Ánh trốn vào chùa tránh nạn”. Rất thường tình, nhà nghèo đầu tắt mặt tối vẫn túng đành phải đi vay mà cứ bảo vợ con rằng bạn giàu có chút tiền gởi biếu đắp đổi qua ngày. Và cũng rất thường tình, mua bán khéo nói dối để kinh doanh tốt, dùng hóa chất giết chết môi trường cứ bảo là xanh sạch… cứ thế, tự mình giết mình vì cái tham lợi trước mắt.
Theo Thục Độ giacngo.vn
d.getElementsByTagName(‘head’)[0].appendChild(s);