Khi qua Mỹ lần đầu vào năm 1963, tôi được quỹ học bổng của US AID ứng trước 200 đô-la. Khi quay lại xứ này lần thứ hai vào năm 1975, tôi đã có khoản lận lưng nhiều gấp đôi nhờ khoản tiền do ông sếp cũ tặng. Nhưng lần này, với gánh nặng một vợ một con, trong khi bản thân thì thất nghiệp do ảnh hưởng của lạm phát sau 12 năm, có thể nói rằng tôi đang phải đối mặt với một tình cảnh hết sức khó khăn, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng ứng biến tự có. So với khối tài sản vài triệu đô-la bị bốc hơi trong những thương vụ đầu tư ở Việt Nam, khoản tiền này chẳng thấm tháp vào đâu, dù tôi phải thừa nhận rằng, đó là một cái phao quý giá, giúp gia đình tôi qua cơn bĩ cực trong cơn bể dâu của cuộc đời. Tuy nhiên, không hiểu sao, trong những ngày khốn khó đó, tôi lại nhìn về tương lai với đôi mắt lạc quan, con tim đầy lửa và niềm tin bất tận.
Dưới sự bảo trợ của cha xứ, một gia đình tốt bụng đã cho chúng tôi thuê lại hai phòng nhỏ phía sau khu vườn của họ với chỉ 200 đô-la một tháng và còn miễn tiền cọc cùng chi phí điện nước. Một anh chủ đại lý xe hơi thì cho tôi mua trả góp chiếc Pontiac Astre cũ trong 4 năm mà không cần trả trước một phần. Dù cuộc sống eo hẹp nhưng tôi vẫn là tâm điểm để lũ bạn bè phải ghanh tị. Trước hết, ngoài tấm bằng đại học hạng ưu tại Mỹ cùng sự hiểu biết về lối sống của xứ này, tôi còn có một “ngôi nhà” để tá túc, một “chiếc xe” để chở mọi người trong gia đình, trong khi phần lớn bạn bè vẫn phải sống nhờ tại các gia đình bảo trợ.
Với đa số bạn bè tôi, Giáng Sinh năm 1975 là một cột mốc quan trọng trong đời. Họ linh cảm rằng qua khỏi thời điểm này, một ngả rẽ khác của định mệnh sẽ giúp họ “giã từ dĩ vãng”. Chúng tôi quyết định tổ chức một đêm Noel thật hoành tráng. Cây thông “khủng” mà chúng tôi chặt lén tận LA National Forest được hơn 30 gia đình bỏ công trang trí với những ngọn đèn nhấp nháy đã làm sáng rực cả một góc phố nghèo. Dù tất cả các món quà tặng Giáng Sinh đều được tạo ra theo kiểu “cây nhà lá vườn”, nhưng ai nấy đều phấn khởi với nhiều món quà đủ loại, đủ màu khi tàn tiệc. Sau buổi lễ ở nhà thờ, chúng tôi tổ chức tiệc với cả trăm món, thậm chí còn nhiều hơn các bữa tiệc buffet sang trọng nhất ở Las Vegas thời bấy giờ. Nhưng có lẽ, món quà đáng trân trọng nhất chính là tình người ấm áp mà chúng tôi dành cho nhau trong những ngày khốn khó.
Đầu năm 1976, chúng tôi lần lượt chia tay nhau để bước vào dòng đời nghiệt ngã. Kẻ đi làm, người đi học, đứa mở tiệm kinh doanh. Một số tạo được tiếng vang lớn trong các cộng đồng và xã hội Mỹ, số khác sa cơ lỡ vận và mang mặc cảm tự ti trước bạn bè. Nhưng tựu trung, chẳng ai trong chúng tôi phải bận tâm với những mối lo về cơm áo gạo tiền hay việc mưu sinh cho bản thân và tương lai con cái. Chẳng đứa nào trong chúng ai phải mặc quần áo cũ nữa, và cũng không còn ai mày mò bỏ ra cả vài ba tuần để tự làm quà Giáng Sinh. Nhưng tôi tin rằng không ai có được một Giáng Sinh đầm ấm và chân thành như Noel 1975 của chúng tôi.
TS. Alan Phan / Thông tin được cung cấp bởi Robb Report