Quân đội không làm kinh tế, tin vui

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh ngày 23-6, Thượng tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế mà chỉ tập trung xây dựng lực lượng vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ.

Ông cho biết tất cả các doanh nghiệp quân đội rồi đây sẽ cổ phần hóa và thoái vốn hết. Đơn vị nào của quốc phòng chỉ để phục vụ cho quốc phòng. Quân đội sẽ không làm kinh tế vì sẽ không thể hiện sức mạnh quân đội. Thông tin trên đến một cách bất ngờ vì trước đó vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy đây là một chủ trương lớn của Bộ Quốc phòng.

Một quan điểm tiến bộ như vậy tất nhiên được sự đón nhận nồng nhiệt của xã hội. Một số chuyên gia rất hoan nghênh phát biểu này của lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng đây là một bước tiến rất quan trọng, một điều rất đáng mừng mà từ lâu người dân đã mong đợi.

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng điều này hết sức đúng đắn, bởi vì quân đội phải luôn sẵn sàng chiến đấu, nếu phân tán nguồn lực để làm kinh tế thì khó có thể đáp ứng tốt được nhiệm vụ này. Theo ông Dũng, quân đội làm kinh tế thì việc kiểm tra, giám sát rất khó khăn bởi vì khó phân biệt rạch ròi được đâu là bí mật quân sự, đâu là kinh tế đơn thuần. Khó giám sát dẫn đến vi phạm dễ xảy ra. Ở đâu cũng thế, làm thì phải có thanh tra, kiểm tra, nếu không có kiểm tra thì dễ dẫn đến vi phạm – ông Dũng nhấn mạnh.

Hội nghị Trung ương 5 đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Muốn kinh tế tư nhân là động lực thì những nơi có thể làm được phải để cho tư nhân làm chứ không phải để cho quân đội. Cái gì quân đội cũng làm thì tư nhân rất khó cạnh tranh.

Việc tách hẳn các doanh nghiệp làm kinh tế của quân đội sang các cơ quan nhà nước quản lý và các doanh nghiệp quốc phòng vẫn thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng đã từng được ông Võ Văn Kiệt lúc còn làm Thủ tướng Chính phủ đề cập vào đầu thập niên 1990. Nhưng ông đã thất bại trong nỗ lực thuyết phục quân đội bàn giao phần đất đang nắm giữ để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế.

Trong các lãnh đạo thời ấy không chỉ có Thủ tướng Võ Văn Kiệt quan niệm như vậy. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi trả lời phỏng vấn của VTC News đã nói: “Quân đội hay công an đều có nhiệm vụ chính trị rất rõ ràng là phải tập trung bảo đảm an ninh quốc gia. Cho nên đã đến lúc phải chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế thuộc các cơ quan Đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội sang cho các cơ quan Nhà nước quản lý”. Theo ông, quyết sách này sẽ góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn. Có như vậy thì cơ chế thị trường mới có thể phát huy tác dụng, và sự cạnh tranh lành mạnh mới có thể xảy ra.

Có thể vào thời điểm ấy điều kiện chưa chín muồi nên đề xuất đó đã đi vào quên lãng. Nay trong tình hình kinh tế phát triển, luật pháp được hoàn thiện dần, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như tham gia vào nhiều hiệp định thương mại quốc tế thì vấn đề này nên tách bạch rõ ràng.

Doanh-nghiep-quan-doi-VD-713-2017 ok
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là đơn vị nổi bật trong số các doanh nghiệp quân đội

Không thể cạnh tranh bình đẳng và trung thực nếu như mỗi doanh nghiệp ở một vị thế khác nhau, cũng như không có sự minh bạch theo nguyên tắc tất cả hoạt động kinh doanh đều phải tuân thủ các chuẩn mực như nhau – tức luật pháp hiện hành.

Trong nhiều năm sau chiến tranh, một số lực lượng quân đội được tham gia làm kinh tế để cải thiện đời sống, nhưng càng về sau, các doanh nghiệp quân đội được hình thành vì mục đích lợi nhuận, trong đó có nhiều doanh nghiệp thực sự kinh doanh có hiệu quả nhờ vào một số ưu đãi của nhà nước. Ông Andrew Wood, Trưởng phân tích gia tại châu Á của Hãng tư vấn BMI Research cho rằng doanh nghiệp quân đội tại Việt Nam đóng vai trò nhỏ trong nền kinh tế nội địa so với Myanmar hay Indonesia. Nổi bật trong số các doanh nghiệp quân đội là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Từ khi tham gia thị trường viễn thông, doanh nghiệp này đã phá thế độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy cạnh tranh, giúp giá cước điện thoại, internet liên tục giảm mạnh trong khi chất lượng dịch vụ được nâng cao. Trang Zing News dẫn lời tổng giám đốc doanh nghiệp này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết Viettel đạt lợi nhuận gần 2 tỉ USD trong năm 2004, tức 85% lợi nhuận của khối doanh nghiệp quân đội. Tuy nhiên, có được bao nhiêu Viettel trong số các doanh nghiệp quân đội? Không nhiều. Đặc biệt nhiều đơn vị quân đội được sử dụng những nguồn lực lớn về đất đai để kinh doanh. Một số đơn vị cho thuê đất quốc phòng vào mục đích thương mại, trái quy định cũng gây nên những hệ lụy nhất định cho công tác quản lý.

Một trong những vụ việc gây tranh cãi lớn nhất gần đây là có một phần diện tích đất quốc phòng ở sân bay Tân Sơn Nhất được sử dụng làm sân golf đã làm cản trở việc mở rộng, phát triển sân bay, khiến Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo đình chỉ mọi hoạt động xây dựng bên trong sân golf này và Bộ Quốc phòng cũng đã chấp hành chỉ đạo trên.

Với chủ trương quân đội không làm kinh tế, từ nay các lực lượng quân đội sẽ chuyên tâm vào tổ chức, xây dựng lực lượng để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, không phân tâm, dành nguồn lực, thời gian cho sản xuất, kinh doanh – mà việc đó để cho các thành phần kinh tế khác thực hiện.

Việc một số đơn vị quân đội tham gia làm kinh tế thời gian qua là chủ trương có tính thời điểm: Kết hợp nhiệm vụ quốc phòng và nhiệm vụ kinh tế để nâng cao năng lực quốc phòng, ổn định đời sống sĩ quan, quân nhân.

Đến thời điểm này, có thể nói, nhiệm vụ kết hợp kinh tế và quốc phòng đã không còn phù hợp nữa. Quan điểm rút hoàn toàn khỏi việc làm kinh tế, để tập trung tối đa cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đất nước là yêu cầu cao nhất như lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã nêu là hoàn toàn đúng đắn và chắc chắn được đa số người dân ủng hộ.

Việc quân đội giã từ vai trò làm kinh tế còn có một ý nghĩa khác là tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh như tinh thần Nghị quyết 5 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân. Bởi trong thực tế, doanh nghiệp quân đội lâu nay đã được ưu đãi rất nhiều về đất đai và đồng vốn trong khi doanh nghiệp tư nhân mong chờ một sự công bằng trong phân bổ tài nguyên quốc gia mà không có được.

Lâu nay chúng ta thường nghe nói đến doanh nghiệp tư nhân cùng lúc phải chịu hai sức ép là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp quân đội cũng là một sức ép đối với doanh nghiệp tư nhân nhưng không được nhắc đến vì nhiều lý do khác nhau.

Nay với chủ trương của Bộ Quốc phòng quân đội không làm kinh tế chắc hẳn khối doanh nghiệp tư nhân sẽ tìm thấy được nhiều điểm sáng nếu trong tương lai gần các bước thực hiện chủ trương này diễn biến thuận lợi.

Theo doanhnhansaigoncuoituan.com.vn