Trong năm 2016, nếu như toàn cảnh chung của thị trường tác phẩm mỹ thuật toàn cầu là khá ảm đạm (doanh số giảm nhiều) thì có một ngoại lệ, cũng là một tín hiệu lạc quan: giới sưu tập và kinh doanh mỹ thuật đã bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để mua tranh của các tác giả người Việt. Đó là nhận định của Wang Zineng, một trong những chuyên gia hàng đầu về hội họa Việt Nam, với bài viết mới đây trên trang mạng Art Republik. Theo tác giả, năm 2016 cho thấy thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện đại tiếp tục lướt mạnh mẽ theo một biểu đồ đi lên đã khởi sự từ những ngày đầu của năm 2014.
Như đã được thừa nhận, thị trường mỹ thuật châu Á đặt nhiều kỳ vọng có tính lịch sử vào Việt Nam, luôn coi đó là thị trường đầy tiềm năng trong tương lai gần. Dù trong hai thập niên 1990 và 2000 chưa có những đột phá lớn ở thị trường đang nổi lên này, song chưa bao giờ nó có sắc hồng hơn như trong vòng vài năm qua, đặc biệt là với sự xuất hiện của những người mua tranh đến từ Trung Quốc và từ chính Việt Nam. Wang Zineng đã viết như thế. Cũng theo Wang, 2016 là một năm của những gặt hái dồi dào ở thị trường thứ cấp của hội họa Việt Nam hiện đại. Các cuộc đấu giá tại Pháp và Mỹ – với sự gia tăng đáng kể những người mua đến từ châu Á hoặc qua đấu giá trực tiếp hoặc qua online – đã đưa ra ngày càng nhiều tác phẩm của họa sĩ Việt Nam hơn hẳn những năm trước đó (cùng với giá tăng mạnh), tuy nhiên sự tăng giá mạnh mẽ nhất của tranh Việt trong năm qua là từ các phiên đấu giá tại thị trường đầu bảng Hongkong. Ngày 11-5-2016, trong phiên đấu giá “Những kỷ niệm đẹp đẽ: một bộ sưu tập mỹ thuật Việt Nam được tuyển chọn” (Se Souvenir des Belles Choses(*): A Curated Collection of Vietnamese Art), 90% trong tổng số hơn 70 lô tác phẩm Việt Nam được đưa ra đã có người mua, với tổng doanh số lên đến 4 triệu USD. Dù chưa phải là doanh số cao nhất của một phiên đấu giá tác phẩm mỹ thuật Việt, song là tín hiệu đáng mừng khi mà hơn một nửa trị giá của phiên đấu giá đó có người mua đến từ Việt Nam.
Dấu vết địa lý của tác phẩm mỹ thuật Việt Nam còn lan rộng trong năm 2016; đó là lần đầu tiên tranh Việt được đưa ra đấu giá tại thị trường Trung Quốc. Phiên đấu giá của nhà Christie’s ngày 20-10-2016 được tiến hành tại tháp Đông Phương Minh Châu, một biểu tượng của thành phố Thượng Hải, đã đưa ra các tác phẩm của bộ ba họa sĩ được coi là đại diện Việt Nam của trường phái hội họa Paris: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm; và tranh của họa sĩ Nguyễn Trung, người đại diện khuynh hướng Hiện thực lãng mạn (Poetic realism) của hội họa Việt Nam đương đại. Trong phiên đấu giá đó, bộ đôi tranh lụa khổ nhỏ của Mai Trung Thứ vẽ chân dung thiếu nữ Việt đã được bán với giá gần 100.000 USD, gấp ba lần giá mà tác phẩm này đã đạt được trong một cuộc đấu giá trước đó vài năm. Còn bức Giấc ngủ trong vườn mộng tưởng của Nguyễn Trung đã được bán với giá 34.070 USD, gấp đôi giá ước tính, mà chủ nhân mới của tranh là một gallery có máu mặt ở Thượng Hải, với một sưu tập có cả những danh tác của Picasso, Monet… Được biết, trước khi diễn ra phiên đấu giá nhà Christie’s ở Thượng Hải đã mời chuyên gia Wang Zineng thuyết trình về mỹ thuật Việt Nam.
Theo Wang Zineng, tranh lụa và tranh sơn mài được thực hiện giữa thế kỷ XX đã chiếm lĩnh thị trường tác phẩm mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Các họa sĩ chủ yếu ở thị trường này: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu ở trong số các sinh viên đầu tiên tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do người Pháp thành lập tại Hà Nội, sau đó đã sang Paris trước Thế chiến II, định cư và sáng tác tại đó. Họa sĩ sơn mài tiền phong Nguyễn Gia Trí và họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, người chuyên vẽ tranh lụa, là hai tác giả sống và vẽ trong nước, tác phẩm của họ làm nên căn cốt của thị trường tranh Việt Nam hiện đại. Trong ba năm qua, ngoại trừ Vũ Cao Đàm không có tranh đặc biệt trội bật trên thị trường, năm tác giả thuộc thế hệ đầu tiên của mỹ thuật Việt đã có nhiều tranh được đưa ra đấu giá và nhận được phản hồi tích cực từ những người đặt giá. Toàn bộ các kỷ lục về giá tranh của họ trước đây đã bị phá vỡ, và với Lê Phổ cùng Nguyễn Phan Chánh thì điều này còn lặp đi lặp lại. Giá tranh của các tên tuổi trong top đầu của thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện đại đang bứt lên khá xa và tiếp tục tăng thêm nữa. Một minh chứng cụ thể của sự khẳng định này là ngày 2-4-2017 vừa qua tại nhà Sotheby’s Hongkong, bức Cuộc sống gia đình của Lê Phổ, được ông vẽ khoảng những năm 1937-1939 đã được bán với giá gần 1,2 triệu USD, kỷ lục mới về giá tranh Lê Phổ sau khi nhà danh họa liên tiếp lập kỷ lục những năm trước đó. Với tranh lụa Nguyễn Phan Chánh, kỷ lục hiện nay là khoảng 400.000 USD cho bức Người buôn gạo, được đấu giá tại nhà Christie’s Hongkong vào tháng 5-2013.
Cũng theo Wang Zineng, yếu tố hết sức quan trọng trong các phiên đấu giá tranh Việt Nam của hai nhà Sotheby’s và Christie’s ở Hongkong thời gian vừa qua là sự tham gia của những khách hàng mới, đặc biệt là những người đến từ Hà Nội và Sài Gòn cả về số lượng lẫn sức mua. Mong muốn mang về quê nhà những di sản văn hóa của cha ông khiến họ đã đưa ra những giá cao để có được tác phẩm. Thị trường đấu giá tác phẩm mỹ thuật quốc tế đã đi gần hết quý II của năm 2017, người ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến uy thế về giá cũng như về sự mở rộng đối tượng khách hàng đối với tác phẩm mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Trong khi đó, thị trường tranh trong nước cũng đang có những chuyển biến tích cực. Nhiều cuộc đấu giá tác phẩm mỹ thuật được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, gần đây nhất là phiên đấu giá cuối tháng 5-2017 tại nhà đấu giá mới toanh Lythi Auction với tác phẩm của nhiều tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Hoàng Tích Chù, Tô Ngọc Vân, Hoàng Lập Ngôn, Lưu Công Nhân, Văn Đen… Và đã có họa sĩ như Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ bán tranh (không qua đấu giá) cho các nhà sưu tập trong nước với giá lên đến vài chục ngàn, thậm chí hơn trăm ngàn USD.
(*) Se Souvenir des Belles Choses là tên một bộ phim Pháp, được đạo diễn Zabou Breitman thực hiện năm 2002, đã đoạt ba giải thưởng César 2003 (phim hay nhất, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Isabelle Carré, nam diễn viên phụ xuất sắc nhất Bernard Le Coq)
Theo doanhnhansaigoncuoituan.com.vn