Khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung có liên quan đến việc bị nhiễm HPV. Hay nói cách khác, chính việc bị nhiễm HPV qua đường sinh hoạt tình dục đã gây ra những biến đổi ở mức độ tế bào và gây ra 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. HPV thâm nhập vào bên trong tế bào cổ tử cung, phát triển và làm biến đổi gen của tế bào. Các tế bào bị đột biến gen sẽ phát triển thành các tế bào ác tính. Quá trình này phải mất nhiều năm, có thể từ 10 đến 15 năm. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn tiền lâm sàng, nghĩa là đã có bất thường về mức độ tế bào nhưng khi thăm khám thì cổ tử cung có thể hoàn toàn bình thường. Nhưng sau đó, một khi đã là ung thư thì bướu sẽ lan rộng nhanh chóng trong thời gian ngắn.
Theo TS.BS Võ Đăng Hùng – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô, nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như gia đình, cơ địa, tuổi tác, quan hệ tình dục nhiều, viêm nhiễm phụ khoa… Vậy nên, chưa quan hệ tình dục không có nghĩa là bạn không có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, chưa có gia đình cũng như chưa có quan hệ tình dục thì nguy cơ bị ung thư tử cung là có nhưng rất thấp (nếu gia đình bạn có người từng bị ung thư cổ tử cung).
TS.BS Võ Đăng Hùng – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô đang tư vấn cho bệnh nhân tại buổi hội thảo “Phòng ngừa và tầm soát ung thư tử cung và ung thư vú” vào ngày 17/5/2014.
Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng cách phết tế bào cổ tử cung – âm đạo: Trên lý thuyết, chủng ngừa HPV giúp bạn phòng tránh 70% các trường hợp. Tuy nhiên, vẫn có thể có những trường hợp hiệu quả tiêm chủng không như mong muốn và còn 30% còn lại không liên quan đến HPV. Do đó, việc tầm soát ung thư cổ tử cung cũng rất cần thiết đối với chị em phụ nữ. Tầm soát là truy tìm ung thư cổ tử cung trong cộng đồng phụ nữ bình thường.
Phương pháp tầm soát rất đơn giản và không gây đau đớn, lẫn sang chấn cho người phụ nữ: khám phụ khoa định kỳ và phết tế bào cổ tử cung – âm đạo để làm tế bào học. Phương pháp phết tế bào này cho phép phát hiện những tế bào đã có bất thường nhưng chưa phải là tế bào ung thư, những tổn thương này được gọi tổn thương tiền ung thư. Phụ nữ đã quan hệ tình dục nên khám phụ khoa và thực hiện phết tế bào cổ tử cung – âm đạo ít nhất mỗi năm một lần để có thể phát hiện sớm những thay đổi ở mức độ tế bào này. Việc này được ví như “phát hiện và điều trị ung thư cổ tử cung từ trong trứng nước”.
– Tiêm vaccin trước lần quan hệ đầu tiên: Hiện nay tại Việt Nam đã có vắc-xin ngừa những týp HPV gây ung thư phổ biến nhất, được tiêm cho phụ nữ từ 10-25 tuổi, kể cả người chưa và đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm. Tiêm vắc-xin phòng bệnh trước lần quan hệ đầu tiên cho phép chị em phòng bệnh được tới trên 90% nguy cơ.
– Tầm soát ung thư: Chị em đã có quan hệ tình dục cần thực hiện khám phụ khoa và tầm soát bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung (PAP smear) định kỳ, ít nhất 1 năm/1 lần, để phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị ở những giai đoạn sớm của bệnh.
Tiêm vắc-xin HPV được coi là phương pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả. Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung có hiệu quả nhất khi bạn gái chưa quan hệ tình dục và ở trong độ tuổi từ 9-26. Phụ nữ đã lập gia đình hoặc có quan hệ tình dục vẫn hoàn toàn có thể tiêm ngừa ung thư cổ tử cung vì các nghiên cứu đều cho thấy vắc-xin vẫn có hiệu quả rất tốt cho các đối tượng này. Thuốc chỉ không có tác dụng với những người đã bị ung thư mà thôi.
Tuy nhiên, trước khi tiêm bạn nên khám phụ khoa và làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung để tầm soát ung thư cổ tử cung vì có nhiều nguyên nhân khác gây ung thư cổ tử cung ngoài nhiễm HPV. Ngoài ra, đây cũng là 1 dịp để kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho người phụ nữ, biết được tình trạng bệnh tật của bạn ở thời điểm hiện tại để dễ theo dõi sau này. Một vài nước trên thế giới vẫn áp dụng tiêm ngừa cho lứa tuổi trên 26. Hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng. Cho dù tiêm phòng hay không, việc khám phụ khoa định kỳ và xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung là cần thiết.
Hoàng Minh/TT được cung cấp bởi Bệnh viện Quốc tế Thành Đô