Tôn Nữ Thị Ninh – Người tiên phong xây dựng thương hiệu quốc gia

 

 

Bà là một trong những người đầu tiên đã nỗ lực trong các hoạt động nhằm thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho Việt Nam trong vài năm qua. Ý tưởng này xuất phát từ đâu, thưa bà?

Trong suốt ba mươi năm làm công tác ngoại giao, nhiệm vụ chính của tôi là giới thiệu đất nước, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là tiếp thị hình ảnh đất nước ra thế giới bên ngoài. Tuy vậy, khi quan sát, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, tôi thấy chúng ta chưa có một phương pháp bài bản để có thể giúp không chỉ ngành ngoại giao, mà các ngành khác như du lịch, thương mại, xúc tiến đầu tư có thể giới thiệu và quảng bá một hình ảnh đất nước Việt nam mới ra thế giới bên ngoài. Hãy lấy hàn Quốc làm ví dụ. Sự phát triển mạnh mẽ của họ trong những năm gần đây có một phần nhờ vào việc đất nước họ có một động lực mạnh mẽ cho phát triển, một cái mà tôi gọi là “cảm quan về phương hướng” cho hình ảnh một quốc gia mà họ muốn hướng tới. Đến sân bay Seoul, những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng ta không phải là logo quảng cáo của các công ty, tập đoàn lớn, mà là hình ảnh quảng bá cho một “Hàn Quốc năng động” (dynamic Korea) và nhấn mạnh tới yếu tố sáng tạo (creativity) của người dân Hàn Quốc. Vậy thì xây dựng thương hiệu của đất nước hết sức quan trọng, nó không chỉ giới thiệu hình ảnh của đất nước mình ra bên ngoài, mà còn cho mình một “cảm quan về phương hướng” cho sự phát triển nội tại bên trong đất nước mình nữa.

Xây dựng và quảng bá cho thương hiệu quốc gia là một lĩnh vực còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Bà đã gặp phải những thử thách gì khi là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực này?

Thử thách thứ nhất là chúng ta chưa nhận thức được tầm quan trọng của “cảm quan về phương hướng” phát triển nội tại, tầm quan trọng của việc “tự ý thức”, mà chỉ nhìn nhận việc quảng bá hình ảnh đất nước như một phương pháp tiếp thị hình ảnh đất nước ra bên ngoài. Thiếu đi sự tự nhận thức này thì các hoạt động quảng bá sẽ mang tính hình thức, máy móc và thái quá. Thử thách thứ hai là chúng ta có quá ít những người hành động. Vấn đề thương hiệu đất nước là vấn đề rất nhiều người quan tâm, nhưng họ mới chỉ dừng lại ở quan tâm mà chưa đi đến hành động cụ thể. Thử thách thứ ba là chúng ta chưa có một quá trình “kết tinh” những nhận thức của chúng ta, đánh giá của bạn bè quốc tế, chia sẻ của đồng bào chúng ta ở nước ngoài để có thể xây dựng một nội hàm thống nhất cho nhận thức của chúng ta về thương hiệu quốc gia của Việt nam.

Là một người tiên phong, theo bà, những tố chất nào là quan trọng nhất cần phải có để vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường mình đã chọn?

Nhiều người cho rằng, một game changer (người đi tiên phong) là một con người của hành động. Theo tôi, là một con người của hành động rất quan trọng, nhưng điều đó còn chưa đủ. người đi tiên phong là người phải có tầm nhìn, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, không né tránh và sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nhưng cái quan trọng của người đi tiên phong phải là một động lực mang tính tri thức chứ không phải chỉ có một động lực mang tính cảm xúc. Chính động lực mang tính tri thức này mới giúp họ luôn luôn tự nhận thức: nhận thức mình, nhận thức vấn đề, nhận thức thế giới xung quanhmột cách liên tục, không ngừng nghỉ, vừa làm vừa liên tục suy nghĩ. Những người như vậy mới là những người có tố chất đi tiên phong.

Bà có một hình mẫu về người tiên phong nào không?

Một hình mẫu đối với tôi là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đối với tôi, ông còn hơn cả một nhà chính trị, ông là một trong những nhà lãnh đạo của đất nước mang tính tiên phong nhất. Hoạt động chính trị của ông luôn mang tính nhân bản rất cao, luôn luôn quan tâm đến yếu tố con người, mà con người như những cá nhân đặc biệt chứ không phải những con số, hay nguồn lực. Ông cũng là điển hình cho hình ảnh một con người trí thức: trí thức không phải tính đếm bằng số năm ngồi trên giảng đường mà trong tầm nhìn, trong cách tiếp cận vấn đề, trong cách mở rộng tâm hồn và trí tuệ để học hỏi. Và không chỉ là một người trí thức, ông cũng còn là một con người của hành động, dám nghĩ và cũng rất quyết liệt, dám làm.

Nếu được chia sẻ với giới trẻ Việt Nam một điều, đó sẽ là điều gì, thưa bà?

Các bạn trẻ ngày nay đứng trước những cơ hội rất lớn. Với sinh viên chẳng hạn, các bạn có cơ hội học tập toàn diện hơn thế hệ của chúng tôi nhiều. Tuy vậy, tôi cho rằng chưa bao giờ mà vấn đề “chính trực” (integrity) lại quan trọng với thanh niên và đất nước như giai đoạn này. Nếu thiếu nhận thức đúng đắn về sự chính trực, các bạn sẽ không có nhận thức đúng đắn về bậc thang giá trị trong xã hội, giá trị của bản thân, rồi thái độ của các bạn đối với tiền bạc chẳng hạn. Xã hội hiện nay có một sự cám dỗ ghê gớm, thách thức tính chính trực của các bạn. Hãy nhìn mạng xã hội chẳng hạn, nó cám dỗ tính hai mặt của con người bạn. Liệu bạn có đủ chính trực để thể hiện trên mạng đúng con người bạn mà không tô vẽ, không lên gân, không cường điệu? Liệu bạn có là con người thật của chính bạn hay không?

Và theo bà, thương hiệu quốc gia của Việt Nam sẽ như thế nào trongtương lai?

Thương hiệu đất nước của Việt nam sẽ là sự tương tác giữa sự tự nhận thức của người Việt nam về bản thân mình, về đất nước và con đường mình đi và nhận thức của thế giới đối với hình ảnh, bản ngã Việt nam. Sự gặp gỡ của hai nhận thức đó có lẽ sẽ tạo ra cốt lõi cho một thương hiệu đất nước mà chúng ta mong muốn hướng tới và xây dựng lên.

Xin cảm ơn bà!

Tiên phong

Nguồn : doanhnhanonline