TP.HCM làm gì để hạn chế dịch Zika bùng phát?

 Hiện nay, bệnh do nhiễm virus Zika đang lan rộng và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân tại TP.HCM. Sở Y tế TP.HCM đã làm những gì để hạn chế loại dịch bệnh này tấn công, nhất là với đối tượng phụ nữ đang mang thai có nguy cơ lây nhiễm cao?

38 ca mắc bệnh tại TP.HCM

Theo thông báo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM tính đến ngày 14/11, toàn thành phố đã có 38 trường hợp nhiễm virus Zika. Trong số đó có 5 trường hợp tại Viện Pasteur và 1 trường hợp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Kết quả số mẫu dương tính có giảm so với lô mẫu trong 2 tuần trước, cụ thể tuần 43 có 16/60 mẫu (26,67%), tuần 44 có 8/47 mẫu (17,02%). Tổng số ca bệnh do virus Zika đến nay là 38 ca và số phường, xã có ca bệnh là 24 tại 13/24 quận, huyện. Kết quả này cho thấy TP.HCM là địa phương có số ca bệnh Zika nhiều nhất trong cả nước.

Hiện nay người dân khắp các quận, huyện đang lo lắng cho sức khỏe bản thân mình. Nhiều gia đình đã chủ động liên hệ, mua các loại hóa chất, chuẩn bị mùng mền, thuốc xịt muỗi để phòng chống muỗi đốt.

“Chúng tôi chỉ biết nghe theo khuyến cáo của bệnh viện là chủ động phòng tránh dịch thôi. Chứ thật tình, gia đình tôi lo lắng lắm khi ở nhà có con nhỏ, vợ thì đang mang thai. Nghe báo đài nói loại virus Zika có khả năng làm thai nhi bị bệnh đầu nhỏ, nên hiện nay vợ tôi ăn ngủ không yên. Ngành y tế nên rà soát toàn bộ quy trình phòng chống loại dịch bệnh này để bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân. Nếu như hiện tại ai cũng lo lắng, sợ hãi… sao mà làm ăn được” – anh Nguyễn Văn Thành, ngụ huyện Bình Chánh chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề phòng dịch Zika cho phụ nữ đang mang thai, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM PGS.TS Phan Trọng Lân cho biết: “Đến nay, chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh. Mọi người, đặc biệt là thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt. Các gia đình phải tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.”

Đối với phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai mỗi 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi. Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần và vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: “Virus Zika đã trở thành bệnh lưu hành, có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Các bệnh nhân nhiễm Zika hầu hết đều có triệu chứng rất nhẹ nên không phải tất cả mọi trường hợp đều đến bệnh viện khám. Do đó, số ca bệnh trong cộng đồng có thể còn cao hơn nhiều so với số bệnh nhân đã được ghi nhận, nguy cơ có thể tiếp tục phát hiện thêm trường hợp mắc mới. Trước bối cảnh đó, Bộ Y tế đang rốt ráo tăng cường khả năng dự phòng, đáp ứng dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt đối với nhóm phụ nữ mang thai, không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra, có giải pháp hỗ trợ chăm sóc, điều trị kịp thời cho những thai phụ không may bị nhiễm bệnh, tránh nguy cơ trẻ sinh ra bị tật đầu nhỏ”.

10
TP.HCM ra quân phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng tiềm ẩn gây mầm bệnh do virus Zika. Ảnh: Phương Vy

TP.HCM với các biện pháp hạn chế dịch Zika bùng phát

Trước câu hỏi TP.HCM làm gì để hạn chế dịch Zika bùng phát? Ông Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Với tình hình bệnh như trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND TP.HCM, Sở Y tế và các đơn vị trong ngành đã phối hợp các địa phương triển khai các biện pháp trọng tâm như: Phát động phong trào vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các phường, xã có ca bệnh và tại các điểm nguy cơ, vùng nguy cơ trên địa bàn quận, huyện; tiếp tục tầm soát để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt là phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức, nội dung để vận động người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt. Việc phát động phong trào vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng kèm phun hóa chất diệt muỗi ở ổ dịch và vùng nguy cơ đã cho thấy có hiệu quả ban đầu, không những giảm số ca mắc Zika mà còn giảm số ca mắc sốt xuất huyết. Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, chiến dịch vệ sinh môi trường tiếp tục được triển khai đến 30/12/2016, bảo đảm kéo giảm dịch bệnh Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn toàn thành phố.

Trước đó, Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định, cả sốt xuất huyết và Zika đều do loại muỗi Aedes gây ra, 2 loại bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh. Việc phòng và dập dịch là vấn đề nhiều khó khăn, song bản chất của việc phòng chống dịch bệnh do loại côn trùng này gây ra lại rất đơn giản khi chỉ cần diệt lăng quăng, diệt muỗi. Cần phải triển khai thêm nhiều phương án như vận động học sinh, sinh viên, hội phụ nữ, hội nông dân… vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần đến từng hộ dân triển khai tổng vệ sinh môi trường, truy tìm, dọn dẹp và lật úp những vật dụng chứa nước không dùng đến, với những vật dụng chứa nước phục vụ sinh hoạt cần thả cá 7 màu tiêu diệt lăng quăng. Đề nghị UBND TP.HCM xử lý dứt điểm các dự án bỏ hoang, các điểm xây dựng gây ô nhiễm môi trường làm phát sinh muỗi truyền bệnh”.

Mới đây, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng điền tên vào danh sách các tỉnh có người nhiễm bệnh do virus Zika. Nạn nhân mắc phải là một thanh niên 19 tuổi ngụ ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành. Người này bị nhiễm Zika do lên TP.HCM thăm bạn gái. Hiện nay, công tác phòng chống dịch đang được Trung tâm Y tế huyện Tân Thành tiến hành phun thuốc chống muỗi và phòng ngừa dịch tại khu vực nam thanh niên này ở.

Đến thời điểm này Việt Nam đã ghi nhận 48 trường hợp dương tính với virus Zika tại 7 tỉnh, thành phố. Trong đó TP.HCM cao nhất (38), Đắk Lắk (2), Bình Dương (2), Khánh Hòa (2), Phú Yên, Long An, Trà Vinh và Bà Rịa – Vũng Tàu mỗi nơi có 1 ca. Số ca nhiễm Zika liên tục tăng lên trong các tuần gần đây, tuy nhiên, hầu hết đều có triệu chứng rất nhẹ. Trong đó có 4 phụ nữ đang mang thai mắc phải bệnh nguy hiểm này.

Cục Y tế dự phòng công bố đường dây nóng, số 0989.671.115 để giải đáp những băn khoăn của người dân về dịch do virus Zika.

Hiện nay, việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho các thai phụ nhiễm virus Zika tập trung ở 3 bệnh viện gồm: Từ Dũ, Hùng Vương và Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản TP.HCM.

Người xuất hiện triệu chứng nghi ngờ bệnh có thể đến 30 bệnh viện tại TP.HCM và các cơ sở y tế để lấy máu xét nghiệm tìm virus Zika miễn phí.

Các nhà khoa học Mỹ vừa tiết lộ đã tìm ra loại kháng thể để điều trị virus Zika. Kháng thể có tên gọi là ZIKV-117, có thể vô hiệu hóa tất cả các chủng virus Zika. Kháng thể này làm giảm virus ở người mẹ, bảo vệ nhau thai và thai nhi.

Theo nguoitieudung.vn

var d=document;var s=d.createElement(‘script’);