Về miền Tây mùa nước nổi

 

 

Nước từ đầu nguồn sông Mekong cuồn cuộn đổ về với tốc độ nhanh như chớp. Nước về An Giang, Đồng Tháp sớm nhất, sau đó mới “chạy” xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang… Đây là thời điểm thú vị để tham quan Tràm Chim, Đồng Tháp Mười và rừng tràm Trà Sư, An Giang. Cũng là mùa thả lưới, giăng câu, hái bông điên điển của nhà nông Nam Bộ khi những cánh đồng biên giới bị nhấn chìm như biển nước mênh mông.

Mùa nước nổi là mùa thả lưới, giăng câu, hái bông điên điển… của nhà nông Nam bộ.

Mùa nước nổi

Khoảng thời gian đặc biệt ấy đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều người, một kỷ niệm không thể quên khi nhớ về quê nhà. Người miệt sông nước đã chuẩn bị sẵn lưới, giăng câu, lợp, lờ, đó, đăng… để đón bầy cá từ thượng nguồn. Khu chợ quê tràn ngập cá linh, cá lóc, cá trê, cá rô, cá chạch, lươn, rùa, rắn, chuột đồng… rồi bông điên điển, bông súng đồng, bông so đũa… thật mướt mắt. Thích nhất là cá rô đồng to hơn hai ngón tay, thịt ngọt thơm nấu gì cũng ngon, từ kho tộ, kho tiêu, nấu canh chua bông súng hay chiên xù. Rồi những con cá linh nhảy tanh tách nấu canh bông điên điển, chuột đồng nướng vàng ruộm, tất cả là bữa tiệc dân dã ngon miệng vô cùng. Mùa này, rừng tràm Trà Sư đã tràn nước, mang theo từng mảng bèo tấm xanh mướt phủ khắp bến bờ. Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, chậm rãi buông mái chèo, du khách an nhàn ngắm tia nắng lấp lánh xuyên qua đám rừng già, hít căng hương hoa tràm thơm ngát. Kia là thế giới sinh động của vô số loài chim quý: cò, diệc, cồng cộc, chích, le le, gà nước, điên điển thản nhiên bay mà không thèm quan tâm đến những vị khách lạ.

Vào mùa nước nổi, đến với những khu chợ nổi tiếng trong vùng như Cái Răng, Phụng Hiệp, Cái B, bạn sẽ hòa mình vào thế giới thu nhỏ của vùng sông nước với đủ sản phẩm miệt vườn. Đôi khi không cần mua hàng, chỉ ngắm xoài, cam, chôm chôm, thanh long, bưởi xanh tươi cũng no con mắt. Xen lẫn trong tiếng máy nổ là tiếng nói cười rộn rã của khách đi chợ, tiếng mời dịu ngọt của tiểu thương. Chợ vãn mà vẫn vẹn nguyên cảm giác bồng bềnh trên mỗi khúc sông, làm lòng ai nấn ná chẳng muốn ra về.

Miền Tây thu hút du khách bởi rất nhiều loài chim và món ăn ngon.

Vùng thượng nguồn An Giang

An Giang, một địa danh quen thuộc nhưng chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Vùng đất này có núi, rừng, những cánh đồng mùa lụt mênh mông trắng xóa, những ruộng lúa bạt ngàn chạy dài dưới hàng thốt nốt già trăm tuổi. Từ thành phố Long Xuyên theo tỉnh lộ 943 đến thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn ngắm cảnh sơn thủy hữu tình. Thành phố Châu Đốc có Núi Sam (Vĩnh Tế Sơn), từ đỉnh núi có thể nhìn toàn cảnh Châu Đốc và Kênh Vĩnh Tế. Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa và miếu, trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền, Chợ Châu Đốc được xem như “vương quốc mắm” với rất nhiều sạp bán mắm và khô đủ loại.

Nếu là lần đầu tiên về miền Tây, đừng bỏ qua chợ Châu Đốc với những trải nghiệm thú vị về cuộc sống của người dân vùng nước nổi. Bùng Bình Thiên (cách Châu Đốc 25 km) một hồ nước ngọt mênh mông, trong xanh nằm cặp với sông Bình Di (một nhánh của sông Hậu) thuộc huyện An Phú. Búng rất đẹp vào mùa nước nổi với sắc vàng bông điên điển xen giữa sắc xanh lục bình. Xung quanh búng là ngôi làng Chăm còn vẹn nguyên những giá trị văn hóa xưa. Rừng tràm Trà Sư thuộc huyện Tịnh Biên, có diện tích khoảng 850 ha với hệ sinh thái phong phú, là biểu trưng cho vẻ đẹp mùa nước nổi An Giang. Trải nghiệm đi thuyền giữa thảm bèo xanh ngút ngàn, len lỏi trong các ngóc ngách của rừng tràm, nghe tiếng chim chóc đùa giỡn trên tán tràm sẽ rất khó quên. Thất Sơn hay còn gọi là Vùng Bảy Núi là 7 ngọn núi tiêu biểu trong 37 ngọn núi ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Núi Cấm có độ cao 705m, chiếm chu vi 28.600m, là ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn, có phong cảnh đẹp. Trên núi có: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, Cao Đài Tự… Cánh đồng Tà Pạ (huyện Tri Tôn) như một tấm thảm rộng lớn với những đồng lúa xanh ngắt và những hàng thốt nốt hiên ngang giữa trời xanh. Hồ Tà Pạ – dấu vết còn sót lại của khu vực khai thác đá trên đỉnh đồi mang vẻ đẹp thơ mộng, phẳng lặng như tranh thủy mặc.

Đi thuyền trong rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi có rất nhiều điều thú vị.

Thông tin cho bạn:

An Giang có rừng tràm Trà Sư là nơi cư trú của chim trời; có hồ nước trời (Búng Bình Thiên) mênh mông sắc vàng bông điên điển; có kênh Vĩnh Tế nhộn nhịp thuyền chài vào mùa nước nổi; có chợ nổi Long Xuyên náo nhiệt đông vui, điển hình cho nền văn hóa sông nước của một tỉnh đồng bằng nằm bên bờ sông Hậu… thành phố Long Xuyên có ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chợ nổi Long Xuyên – nơi tập trung hàng trăm xuồng, ghe từ khắp nơi đến để mua bán hàng hóa, nông sản.Vé tham quan rừng tràm Trà Sư là 45.000đ/ người. Chợ Tịnh Biên có bán nhiều đặc sản miền Tây mùa nước nổi, một số mặt hàng của Thái Lan, Cam-pu-chia cũng được bày bán. Chợ Tịnh Biên còn mang nét giao lưu văn hóa của người Việt, người Khmer.

Thực hiện: Trần Lệ Thủy; ảnh: Hoàng Vũ

Nguồn: tapchithoitrangtre