Bỏ làm Giám đốc để bán rau online
Từ bỏ vị trí giám đốc cô gái trẻ quyết định làm nông nghiệp sạch
Sau khi tốt nghiệp đại học, Mai Thị Thanh có 10 năm làm việc cho công ty nước ngoài và có vị trí mà nhiều người mơ ước – giám đốc quản lý chất lượng vùng Nam Á và Nam Phi của một công ty nước ngoài. Thế nhưng cô gái này quyết định từ bỏ để làm nông nghiệp sạch.
Với số vốn ban đầu 200 triệu từ quỹ dưỡng già cho bố mẹ, bài học khởi nghiệp đầu tiên của Thanh là xuống ruộng học làm nông nghiệp. Thời gian sau cô ký hợp đồng với nông dân để trồng giống lúa Huyết Rồng và áp dụng “canh tác kết hợp lúa vịt” bằng cách thả vịt vào ruộng để kiểm soát cỏ, sâu, rầy; phân vịt bón ruộng theo phương thức sản xuất sạch. Nhưng ngay lập tức cô gặp khó khăn từ kỹ thuật trồng trọt không sử dụng hóa chất, kho vận, xử lý sau thu hoạch, thiếu nhân sự quản lý, ứng vốn cho nông dân, đến mất trắng cả mùa vụ khi thời tiết không thuận lợi…
Không chịu thua, thấy người dân xịt thuốc diệt cỏ để diệt lục bình, Hằng nhờ doanh trại bộ đội gần đó thí điểm làm phân compost từ lục bình. Thấy trấu đổ bỏ khắp nơi, cô tiến hành sản xuất lò khí hóa để tận dụng trấu. Tuy sản phẩm lò trấu nấu không dơ nồi, nhưng lại bất tiện, mỗi 50 phút phải nhồi trấu lại nên không được thị trường chấp nhận.
Cuối cùng, Hằng nhận ra mình đã đứng sai vị trí trong chuỗi cung ứng. Ban đầu cô chỉ định tập trung vào sản xuất và bán sỉ, nhưng thị trường lúc đó chưa “chín” cho nhóm sản phẩm "thân thiện xã hội và môi trường". Do vậy, cô quyết định thành lập kênh bán hàng onlineXanhShop để cung ứng các nông sản sạch. Với cách làm này, Hằng tin rằng việc phổ biến khái niệm sản phẩm xanh tới người tiêu dùng sẽ thuận tiện hơn.
Cuối năm 2012, chuỗi cung ứng chính thức được vận hành, với khách hàng đầu tiên là bạn bè, đồng nghiệp. Sau khi nhận được sự hài lòng, tin tưởng, những khách hàng này đã giúp giới thiệu rộng ra bên ngoài. Ngoài ra, Hằng phát triển fanpage trên mạng xã hội bằng cách cập nhật hình ảnh, chia sẻ những câu chuyện của người nông dân và nguồn gốc sản phẩm sạch để tạo sự tin cậy, hứng thú cho khách hàng.
Hiện nay, ngoài rau củ quả, Thanh còn cung cấp ngũ cốc, thủy hải sản, gia cầm và các sản phẩm chế biến khác. Sản phẩm của Xanh được dán nhãn theo ba tiêu chuẩn: Nhãn xanh là không sử dụng hóa chất trong suốt quá trình nuôi trồng, chế biến; vàng là còn sử dụng thuốc ở một số công đoạn; trắng là không sử dụng hóa chất trong quá trình chế biến.
Sau gần 3 nằm thành lập, công ty của Thanh đã có 3 quản lý nằm vùng miền Trung, miền Đông và miền Tây Nam Bộ có nhiệm vụ thu hoạch rau củ quả từ các vườn. Cô cũng tiết lộ đã có nguồn hàng cung ứng từ trang trại trồng thuỷ canh ở Đà Lạt, diện tích từ 1.000 m2 đến 5.000 m2.
Tốt nghiệp Thạc sĩ ở Pháp về Việt Nam mở shop giày dép, mỹ phẩm
Chị Nhung khởi nghiệp kinh doanh chỉ với số vốn vẻn vẹn 50 triệu đồng
Là một cựu du học sinh tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành kinh tế tại trường Đại học Toulouse le Mirail, nước Pháp, chị Phạm Hồng Nhung là niềm tự hào của gia đình. Với thành tích học tập tốt, ngoại hình cao ráo, sáng sủa, sau khi về nước chị nhanh chóng kiếm được công việc nhân viên thu mua ở một đại siêu thị có tiếng. Thu nhập lúc đó của chị có tháng lên tới 1000 USD.
Ấy thế mà chị quyết định bỏ công việc với mức lương trong mơ của nhiều người để mở cửa hiệu riêng. Có nhiều lý do khách quan khiến chị muốn rời bỏ công việc, nhưng chủ yếu vẫn là do thâm tâm chị cảm thấy mình không phù hợp với nghề nghiệp hiện tại, mà chỉ đam mê kinh doanh.
Ban đầu chị vấp phải sự phản đối của gia đình, nhưng với sự quyết tâm và đam mê kinh doanh của mình chị vẫn quyết tâm mở cửa hiệu.
Chị Nhung bắt đầu kinh doanh với số vốn vẻn vẹn 50 triệu đồng. Chị thuê một mặt bằng nhỏ, diện tích chỉ 15m2 trong ngõ, mất khoảng 3 triệu đồng, đóng kệ tủ hết 6 triệu, lấy hàng hết 40 triệu, còn lại là chi phí cho những khoản nhỏ ngoài lề.
Những ngày đầu mở cửa hiệu kinh doanh, một mình chị kiêm nhiệm làm việc tất cả, từ trông hàng, bán hàng, làm hết mọi việc từ quét tước, lau dọn cửa hiệu, sắp xếp cửa hàng, bán hàng, quản lý thu chi,… Sau một thời gian kinh doanh chị Nhung nhanh chóng lấy lại vốn và bắt đầu có lãi sau 6 thángkinh doanh.
Sau 4 năm đi vào hoạt động, cửa hiệu của chị dần có uy tín, chị cũng mở rộng kinh doanh thêm nhiều chủng loại mặt hàng. Doanh thu của cửa hàng khá tốt và ổn định. Chị Nhung mạnh dạn chung vốn cùng bạn, mở một công ty chuyên phân phối các mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, chủ yếu là mỹ phẩm và sản phẩm tiêu dùng thông minh.
Nói về thành công ban đầu của mình, chị Nhung chia sẻ, may mắn của chị là công việc tiến triển thuận lợi nên chị cũng thừa thắng xông lên, càng có thêm nhiệt huyết để làm việc. Ngoài ra người kinh doanh phải luôn xác định mục tiêu của mình, sau đó nghiêm túc thực hiện, quyết tâm theo đuổi, thành công nhất định sẽ tới. Riêng trong lĩnh vực kinh doanh, có hai điều chị luôn tâm niệm: một là phải giữ chữ tín; hai là chân thành, xởi lởi, dù là với khách hàng hay đối tác làm ăn. Tất nhiên, năng khiếu và sự may mắn cũng là yếu tố không thể thiếu trong công việc đầy may rủi này.
Bỏ việc trên ngàn đô vì muốn về bán… bánh mì
Bất cứ việc gì kiếm được thu nhập phụ gia đình trả nợ và trau dồi khả năng ngoại ngữ là Xuân lao vào thực hiện…
Ý thức được cái nghèo, cảm được những giọt mồ hôi của cha mẹ, cô gái 8x ở xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Tuyết Xuân luôn có kết quả học tập khá, giỏi trong những năm học phổ thông.
Ngày bước chân vào ngưỡng cửa đại học, theo học khoa kinh tế, cũng là lúc Xuân chứng kiến cái cảnh cha mẹ đôn đáo chạy vạy kiếm tiền cho cô con gái lớn nhập học. Thấu hiểu hoàn cảnh đấy Xuân vừa học vừa làm. Từ việc phục vụ nhà hàng nước ngoài, đến chạy sô dạy kèm… bất cứ việc gì kiếm được thu nhập phụ gia đình trả nợ và trau dồi khả năng ngoại ngữ là Xuân lao vào thực hiện.
Năm 2010, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại khá, Xuân đầu quân cho một công ty chuyên về bất động sản với công việc nhân viên bán hàng vì muốn trải nghiệm và thử sức. Được hơn một năm tích luỹ kinh nghiệm cộng thêm khả năng ngoại ngữ, Xuân xin vào làm đại diện bán hàng cho một tập đoàn trong nước chuyên xuất nhập khẩu nông sản. Thu nhập tháng cùng với thu nhập từ tiền hoa hồng của đối tác có tháng trên ngàn USD của Xuân là niềm mơ ước của không ít người.
Sau hai năm làm việc, đùng một cái Xuân tuyên bố nghỉ việc. Mọi người ngã ngửa khi biết Xuân từ bỏ công việc tốt của mình chỉ vì muốn về bán… bánh mì. Với một số đồng nghiệp, quyết định nghỉ việc đi bán bánh mì là một quyết định gàn dở… có vấn đề. Thậm chí trong gia đình, Xuân cũng vấp phải sự phản ứng quyết liệt của cha mẹ và người thân. Kiên định với ý tưởng của mình, chiếc xe bán bánh mì của Xuân vẫn xuất hiện. “Ngày ra xe bánh, thật sự khó khăn, bởi cha mẹ can ngăn và giận không nói chuyện với em một thời gian, một số bạn bè cũng không ủng hộ nhưng em thích ăn bánh mì từ nhỏ, có thể phân biệt được bánh mì ngon dở… nên việc kinh doanh cũng sẽ vượt qua được”, Xuân bộc bạch.
Thế rồi, tháng 6/2013 chiếc xe bánh mì của Xuân ngập tràn tới gần 20 loại nhân bánh mang đặc trưng của vùng quê miền Tây, với giá 10.000 đồng/ổ. Thời gian đầu kinh doanh, chiếc xe bánh mì vỉa hè của Xuân cũng phải chật vật tìm khách. Doanh thu không đủ để bù chi phí trở thành chuyện cơm bữa. Số vốn tích luỹ ba năm đi làm cứ dần đội nón ra đi.
Kinh nghiệm chăm sóc khách hàng cộng thêm vốn kiến thức đã được học, Xuân vận dụng mọi thứ để phục vụ cho việc kinh doanh của mình. Những nỗ lực đó đã được đền đáp. Chấp nhận lời ít, bánh mì có hương vị riêng, cách kinh doanh chuyên nghiệp, chọn nguyên liệu tốt và quan trọng là chọn vị trí bán hàng ở những giao lộ tấp nập xe qua lại nên tình hình kinh doanh đã được cải thiện.
Chỉ sau sáu tháng, Xuân đã làm chủ ba xe bánh mì với 12 nhân viên hoạt động hai ca (sáng từ 6 – 9h, chiều từ 16 – 20h). Từ một chiếc xe bánh mì bình thường ở lề đường, khách hàng tìm đến với bánh mì Hậu Giang ngày càng đông. Số lượng bán mỗi ngày trung bình từ vài chục ổ, tăng lên vài trăm và hiện nay sức tiêu thụ cả 1.000 ổ/ngày.
Một ngày của Xuân bắt đầu từ 4 giờ sáng để làm nhân chuẩn bị hàng cho các xe bánh mì ca sáng, thời gian còn lại Xuân đi mua nguyên liệu ở siêu thị, chợ. Đến trưa là chuẩn bị hàng cho ca chiều. Thế mà buổi tối Xuân còn tranh thủ đi học thêm trung cấp dược để chuẩn bị cho một hoài bão khác… Xuân kết thúc một ngày làm việc vào tầm 24h.
Cũng như Thanh, Nhung, dù không được gia đình ủng hộ việc kinh doanh của mình nhưng những rào cản này không làm Xuân nhụt chí. Với Xuân: “thành công hay không là do chính bản thân mình, mình cảm thấy hạnh phúc với việc mình làm, đồng tiền kiếm được là đồng tiền bằng chính sức lao động của mình”.
Đ.N.Tân (tổng hợp)
Nguồn: doanhnhanduongthoi