Trên thực tế, đa số chúng ta dành nhiều thời gian trong ngày để làm việc với đồng nghiệp hơn là ở bên gia đình và bạn bè. Trong một xã hội thu nhỏ là môi trường công sở, với rất nhiều kiểu người, rất nhiều cá tính và quan điểm riêng, những khúc mắc hay căng thẳng là không thể tránh khỏi.
Để không làm ảnh hưởng tới chất lượng công việc và mối quan hệ hai bên, khi xảy ra mâu thuẫn với đồng nghiệp, hãy ghi nhớ 7 quy tắc ứng xử sau đây.
Trao đổi trực tiếp với đối phương
Trước hết, đừng vì ngại ngần mà cố chịu đựng cảm xúc tiêu cực, thay vào đó hãy hẹn gặp đối phương để trao đổi thẳng thắn, hoặc chí ít là gọi điện thoại. Điều này sẽ giúp việc giao tiếp thuận lợi hơn và hai bên có thể hiểu nhau cặn kẽ hơn, cảm nhận được sự chân thành qua thái độ của đối phương. Tất nhiên bạn cũng có thể làm việc qua email hoặc các phương tiện khác, nhưng sẽ tốn kém thời gian và có thể dễ gây hiểu nhầm.
Giữ bình tĩnh khi đưa ra quan điểm
Trong bất kỳ hoàn cảnh và mức độ mâu thuẫn nào, hãy giữ cho mình một cái đầu lạnh. Thể hiện cảm xúc một cách quá bộc trực không phải một điều được khuyến khích ở nơi công sở. Việc không kiểm soát được cảm xúc có thể làm xấu đi hình tượng của bạn trong mắt cấp trên và đồng nghiệp, thậm chí ảnh hưởng tiền đồ sau này. Chính vì vậy, bạn cần học cách giải thích quan điểm theo từng bước một và bày tỏ sự tôn trọng tuyệt đối khi tranh luận. Nếu bạn muốn nắm thế chủ động trong các cuộc tranh cãi, điều tiên quyết là hãy luôn bình tĩnh, không nóng nảy. Điều này cũng giúp làm giảm thiểu sự căng thẳng giữa hai bên.
Chịu khó lắng nghe
Khi không khí đang căng thẳng, nhiều người sẽ có xu hướng nói liên tục và không để ai chen ngang. Hãy nhớ rằng, một cuộc tranh luận hiệu quả phải có cả hai yếu tố nói và nghe. Nói nhiều hơn không có nghĩa là quan điểm của bạn thuyết phục hay áp đảo hơn. Nhiều khi điều đó khiến đối phương cảm thấy không hài lòng, và không quan tâm đến những gì bạn nói nữa. Vì thế, hãy chịu khó lắng nghe và thực sự dành sự chú ý cho lập luận của đối phương. Như vậy, bạn có thể hiểu rõ hơn quan điểm của họ và đặt ra những câu hỏi hợp lý.
Không ngồi lê đôi mách, không nói xấu đồng nghiệp
Một quy tắc quan trọng trong việc giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp chính là không nói xấu họ. Đừng bao giờ mang chuyện bất đồng quan điểm ra làm chủ đề bàn tán nơi công sở, bất kể đối phương có làm điều tương tự với bạn hay không. Việc thể hiện sự bất mãn chỉ khiến các đồng nghiệp khác khó xử theo và thậm chí họ sẽ đánh giá sự chuyên nghiệp của bạn. Hơn nữa, nếu những lời lẽ không hay của bạn đến tai người còn lại, mối quan hệ giữa hai bạn sẽ khó mà hàn gắn được và có thể một trong hai bạn sẽ phải tìm việc ở một môi trường khác.
Nhìn nhận hai chiều, đặt mình vào vị trí đối phương
Giải quyết vấn đề nơi công sở không chỉ là làm thay đổi quan điểm của ai đó mà là sự thấu hiểu giữa các thành viên. Ranh giới giữa đúng và sai trong một cuộc tranh luận là khá mong manh. Lúc nào cũng vậy, hãy luôn nhìn vấn đề theo nhiều chiều, đừng chỉ khăng khăng quan điểm của mình là đúng. Phải khi thử nhìn nhận vấn đề dưới góc nhìn của đối phương, chúng ta mới thực sự hiểu quan điểm của họ, và nhận ra chính mình có đang sai ở đâu không.
Tránh tiếp xúc
Trong trường hợp mâu thuẫn đã trở nên quá căng thẳng, ảnh hưởng ít nhiều đến quan hệ giữa hai bạn, hãy cân nhắc việc tránh tiếp xúc. Cố gắng không tham gia những dự án, công việc chung có người kia tham gia. Đây không đồng nghĩa với việc chia bè phái trong công ty mà vì khi đã thực sự không hợp làm việc với nhau, hãy tránh chung đụng làm ảnh hưởng chất lượng công việc.
Nhờ đến sự can thiệp của bên thứ 3
Bạn đã cố gắng giải quyết bất đồng theo cách của những người trưởng thành, đầy thiện chí, nhưng vẫn không thể tìm được tiếng nói chung. Thậm chí, bạn có thể bị xúc phạm, quấy rối hay đe dọa, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần. Khi ấy, hãy tìm đến bộ phận nhân sự hoặc cấp quản lý nhờ can thiệp.
Thực tế, hầu hết các mâu thuẫn trong công ty đều có cách giải quyết. Bất kể trong tình huống nào, hãy là một người hiểu các quy tắc ứng xử, là một đồng nghiệp văn minh, lịch sự và thể hiện thiện chí. Đừng vì mất kiểm soát mà “chuyện bé xé ra to”, làm cản trở công việc chung cũng như ảnh hưởng lâu dài đến quan hệ đồng nghiệp.
Ngọc Ngọc