Nguyên nhân gây ra mụn

 

 

1. Mụn do đâu mà ra?

Bình thường, vi khuẩn P. ance không gây hại. Tuy nhiên, khi có quá nhiều chất nhờn và lỗ chân lông bị bít kín sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn này sinh sôi nảy nở, gây viêm nhiễm dẫn đến hình thành mụn mủ và nặng hơn là mụn bọc.

Vào tuổi dậy thì, các hormone sinh dục tăng cao khiến tuyến bã (tuyến nhờn) hoạt động mạnh. Khi có nhiều bã nhờn được tiết ra, miệng tuyến bã có thể bị tắc nghẽn dẫn đến hình thành mụn. Không chỉ ở tuổi dậy thì mà trước chu kì kinh nguyệt, lượng hormone bị xáo trộn nên chị em cũng dễ bị mụn. Ngoài ra, một vài năm trước mãn kinh, một số chị ở tuổi tứ tuần, ngũ tuần có thể bị mụn lại do lượng hormone thay đổi bất thường.

Hình dưới minh họa quá trình hình thành mụn từ khi xuất hiện vi nhân mụn (chất nhờn bị tắc nghẽn) -> chuyển qua giai đoạn mụn đầu đen (nhân trứng cá bị ôxy hóa) -> mụn mủ (nhân trứng cá bị viêm) -> mụn bọc (viêm nặng và ăn sâu dưới da).

Hình minh họa: Cơ chế hình thành mụn

2. Mụn đầu trắng, đầu đen, mụn mủ, mụn bọc là gì?

Mụn được chia là 2 nhóm: Mụn không viêm và mụn viêm.

Mụn không viêm gồm có mụn đầu trắng & mụn đầu đen (gọi chung là mụn trứng cá hoặc nhân trứng cá – là những túi nang lông chứa đầy chất bã nhờn). Mụn viêm gồm có mụn mủ & mụn bọc.

Chất nhờn dư thừa tại lỗ chân lông nếu bị tắc nghẽn sẽ hình thành nên nhân trứng cá. Việc xuất hiện các loại mụn khác nhau là do những gì xảy ra với nhân trứng cá.

Mụn đầu trắng: Là nhân trứng cá nằm trong lỗ chân lông kín miệng (còn gọi là mụn kín).

Mụn đầu đen: Mụn đầu đen là nhân trứng cá nằm trong lỗ chân lông hở miệng (còn gọi là mụn hở) nên bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí gây ra màu đen, khi nặn ra thấy có nhân cứng, phần trên đen, phần dưới màu trắng đục. Mụn đầu đen là tổn thương sớm nhất của mụn trứng cá, nếu không được xử lý có thể chuyển thành mụn viêm.

Mụn mủ và mụn bọc: Ở các nang lông (lỗ chân lông) có một loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhờ các chất bã ở nang lông. Chúng gây nên viêm nhiễm, làm cho mụn bị sưng đỏ và đau. Nếu viêm nhiễm nhẹ sẽ hình thành mụn mủ. Khi sự viêm nhiễm này xâm nhập sâu vào dưới da sẽ hình thành mụn bọc (là dạng nặng nhất của mụn). Mụn bọc thường rất đau nhức và để lại sẹo sau khi lành.

3. Những nguyên nhân chính gây ra mụn

Mụn không xuất hiện chỉ vì một nguyên nhân riêng rẽ nào. Như trên đã nói, hai tác nhân chính gây nên mụn là nội tiết tố (hormone) và vi khuẩn ở nang lông (P. ance). Tuy nhiên trên thực tế, có hàng chục yếu tố khác nhau làm ảnh hưởng đến nội tiết tố trong cơ thể.

Các chị chỉ bị mụn nếu chịu ảnh hưởng từ ít nhất là 4 trong số các nguyên nhân được liệt kê dưới đây:

Sự mất quân bình hormone (hooc-môn) khiến cơ thể sản xuất quá nhiều chất dầu, gây tắc nghẽn tại lỗ chân lông.

Sự tích tụ độc tố trong cơ thể: Khi ruột và gan không thể lọc hết chất độc đến từ thực phẩm, lượng chất độc dư ra sẽ được bài tiết qua phổi và da.

Thiếu chất dinh dưỡng: Có liên quan chặt chẽ đến sự tích tụ độc tố. Các thực phẩm gây hại cho sức khỏe không chỉ khiến ruột và gan bị tắc nghẽn mà còn gây thiếu hụt vitamin và khoáng chất, làm giảm mức độ hấp thụ năng lượng cũng như ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể.

Stress: Một số bác sĩ có thể không đồng tình với quan điểm stress gây ra mụn. Nếu chỉ đề cập đến một yếu tố stress thôi thì họ đúng, nhưng những căng thẳng kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone dẫn đến mụn.

Thiếu ngủ: Cũng làm mất quân bình hormone. Một giấc ngủ sâu là rất cần thiết để toàn bộ cơ thể nghỉ ngơi, đồng thời là giai đoạn để cơ thể giải độc, rất cần thiết cho sức khỏe.

Di truyền: Đây là yếu tố không thể thay đổi được. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng nếu chỉ riêng yếu tố di truyền thôi thì chưa đủ để gây nên mụn mà cũng cần sự tác động của các yếu tố khác nữa.

Thiên Ân / Nguồn: Công ty TNHH Mỹ Phẩm LG VINA