Áo dài cho mọi vóc dáng

Áo dài xưa và nay

Một số tài liệu cho rằng, sơ khai của chiếc áo dài là áo giao lãnh (tương tự áo tứ thân). Sau này để thuận tiện cho việc làm lụng của phụ nữ, nó được thu gọn lại thành áo tứ thân (gồm bốn vạt nửa: vạt nửa trước phải, vạt nửa trước trái, vạt nửa sau phải, vạt nửa sau trái).

Áo tứ thân chỉ thích hợp với phụ nữ miền quê bươn chải, gánh gồng. Với những phụ nữ tỉnh thành nhàn hạ, họ muốn sở hữu một kiểu áo dài được cách tân nhằm giảm đi nét dân dã và tăng thêm sự sang trọng, đài các. Từ đó áo ngũ thân ra đời dựa trên sự biến cải ở vạt nửa trước phải thu bé lại thành vạt con; thêm một vạt thứ năm nho nhỏ ở dưới vạt trước.

Theo tài liệu có được, người sáng tạo và định hình chiếc áo dài đầu tiên là Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Vào khoảng thế kỷ XVI, để gìn giữ bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, ông đã ban sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong.

Trong sắc dụ đó, có sự định hình cơ bản của chiếc áo dài Việt Nam. Căn cứ theo những chứng liệu này, người ta khẳng định chiếc áo dài với hình thức cố định đã ra đời và được công nhận là quốc phục dưới triều chúa Nguyễn Vũ Vương (1739-1765).

Khi áo dài được chính thức ra đời, để nó phù hợp hơn với bản sắc văn hóa dân tộc, Vũ Vương đã cho triều thần cải biên lại dựa trên sự pha phối từ mẫu áo dài của người Chăm (giống như áo dài phụ nữ Việt Nam ngày nay, nhưng không xẻ nách) và áo dài của phụ nữ Thượng Hải (xường xám) để làm ra chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam.

Từ đó, áo dài được thịnh hành và dần dần biến kiểu thành áo dài tay ngắn, áo dài tay raglan, áo dài cổ thuyền, áo dài có vạt phủ gót, áo dài có vạt ngắn đến đầu gối… nhằm phù hợp với phong cách thời trang từng giai đoạn.

Cách chọn áo dài

Chất liệu

Đặc điểm của áo dài là mềm mại, bay bổng theo mỗi bước đi của người mặc, vì thế, ở mọi vóc dáng, cần chọn loại vải mềm, nhẹ, co giãn tốt, đủ độ dày để không lộ nội y.

Theo tài liệu có được, người sáng tạo và định hình chiếc áo dài đầu tiên là Vũ VươngNguyễn Phúc Khoát. Vào khoảng thế kỷ XVI, để gìn giữ bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, ông đã ban sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong. Trong sắc dụ đó, có sự định hình cơ bản của chiếc áo dài Việt Nam.

Thông thường, vải được chọn may áo dài phổ biến là lụa tơ tằm, lụa tổng hợp, gấm, phi bóng hoặc nhung vì có độ dày vừa phải nhưng vẫn mềm và nhẹ nhàng. Ngày nay, các loại vải ren khá thịnh hành cho trang phục áo dài, đặc biệt đối với áo dài cô dâu.

Màu sắc

Người có dáng chuẩn, mặc áo dài màu nào cũng hợp. Người gầy, cao nên chọn tông màu nhạt, sáng, hoa văn lớn, như màu trắng, vàng, hồng nhạt, xanh nhạt, thiên thanh. Thường với dáng gầy nên chọn các loại vải dày hơn nhưng vẫn mềm mại, như nhung, gấm, ren.

Dáng tròn – thấp nên chọn các loại vải nền có màu sắc tối, sậm, như đỏ sậm, tím than, màu sim tím…, vải với các đường kẻ sọc xuống, vải có hoa văn nhỏ, các họa tiết trên áo thường trải dài xuống tà để giúp người mặc trông cao và thon thả hơn. Với vóc dáng này, cần chọn loại vải mềm mại, mỏng, có độ rủ cao và nhẹ nhàng.

Dáng tròn – cao cần chọn loại vải che được các khuyết điểm thể hình. Không nên chọn vải bóng bởi nó sẽ làm cho người mặc trông đẫy đà hơn.

Cần chọn họa tiết trên áo dài dạng hoa dây, kéo dài từ ngực tới hết tà áo, tạo cảm giác thanh mảnh hơn cho cơ thể. Màu áo dài nên có tông sẫm hoặc màu nóng như đỏ, tím…
Người dáng này cổ thường có ngấn, thấp nên chọn áo có cổ truyền thống, thấp khoảng 3cm, hoặc cổ thuyền nhưng không quá trễ về phía ngực.

Kiểu dáng

Áo dài Việt Nam dạng cơ bản nhất là kiểu cổ kín, cao, tay dài, hai tà mặc kèm với quần ống rộng. Tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của ngành thời trang, các nhà thiết kế liên tục đưa ra nhiều kiểu áo dài, như ba tà, tay ngắn, cổ thuyền hoặc cổ ngắn (1,5cm)… Tùy theo vóc dáng mỗi người mà chọn kiểu áo cho thích hợp.

Cụ thể, người có dáng chuẩn có thể mặc tất cả các loại áo dài được thiết kế từ cơ bản đến biến kiểu. Người dáng gầy có thể mặc các kiểu áo như người dáng chuẩn nhưng hạn chế cổ thuyền hoặc trống cổ vì trông gầy hơn. Có trường hợp tuy dáng gầy nhưng phần cổ đầy đặn thì có thể mặc áo cổ thuyền.

Ngược lại, người mập cần chọn áo có tay dài, cổ thuyền (cổ trống), áo được thiết kế đơn giản, hai tà. Quần nên chọn có ống rộng vừa phải, cần hạn chế chọn quần với loại vải quá mỏng, ống ôm sát người hoặc quá rộng.

Nội y

Dù người mập hay ốm cũng cần chọn nội y phù hợp với áo dài, đó là áo trơn, nâng ngực, có dây, mút dày hay mỏng tùy vòng đo, cùng màu với áo.

Với quần, nên chọn cùng tông màu với quần áo dài, tránh chọn các loại quần có đường viền ống quá dày, vì quần áo dài thường rất mỏng, hầu hết được may bằng vải phi bóng nên dễ làm lộ đường viền bên trong.

Để chiếc áo dài càng đẹp hơn

Các nguyên tắc cần lưu ý khi mặc áo dài

Phù hợp với tuổi, vóc dáng.
Phù hợp với hoàn cảnh, thời gian, tính chất công việc.
Đồng bộ với các phụ trang khác.

Tùy vào mục đích sử dụng

Áo dài công sở, trường học: Với áo dài mặc đi làm thường ngày nên chọn loại vải thoáng mát, ít nhăn, như silk tổng hợp, mouse xô, tơ tằm.

Kiểu dáng đơn giản, kín đáo và không quá ôm sát phần eo, tay, phần nách, vai để dễ cử động. Tà hẹp và ngắn. Quần ống hẹp và suông.

Áo dài mặc ở những nơi tôn nghiêm: Kiểu dáng thanh nhã, kín đáo. Màu sắc trung tính, như xám, nâu, xanh rêu, vàng đất, trắng, đen và nên chọn vải nền trơn, không có họa tiết, mềm mại, như tơ tằm, cotton lụa.

Áo dài mặc dự tiệc, cưới hỏi: Là loại áo dài đòi hỏi phải thiết kế thật phù hợp với vóc dáng để tôn lên vẻ đẹp và sang trọng.

Kiểu mẫu có thể cách tân. Thường dùng vải lụa, gấm với màu sắc nổi bật, trang trí cầu kỳ như vẽ, thêu, kết cườm…

Áo dài mặc tại các sự kiện quan trọng: Vải đẹp và quý như nhung, gấm, tơ tằm. Màu sắc thật đậm như đen, xanh đen, hoặc trắng.

Kiểu dáng trang trọng, lịch sự và thật chuẩn xác về kỹ thuật cắt may, trang trí phù hợp. Đồng bộ với kiểu tóc, trang điểm, giày, ví, trang sức.

May đo áo dài

Số đo phải thật chính xác, do vậy khi đi may áo tốt nhất là mặc chiếc áo dài đã vừa ý nhất, hoặc mặc trang phục ôm sát người.

Nói rõ mục đích sử dụng áo dài (đi làm, đi chơi hay dự tiệc…) để người may gia giảm các số đo hợp lý. Ví dụ áo may cho cô giáo lúc đứng lớp phải tương đối thoải mái ở phần nách, tay, eo.

Áo dự tiệc có thể ôm sát người nhưng không nên xẻ tà quá cao, trông không lịch sự và mất tỷ lệ cân đối giữa phần thân trên và tà áo. Tốt nhất là xẻ tà vừa chấm lưng quần.

Áo dài với phụ kiện

Ví: Ví cầm tay hay đeo vai nên nhỏ gọn, màu đen hay trắng, hoặc cùng tone với màu áo dài.

Kiểu giày: Giày bít mũi, gót nhọn hay vuông, cao từ 5-10 cm (tùy dáng người), màu tiệp với màu áo hay quần là phù hợp nhất.

Kiểu sandals hay giày hở mũi tuy thoáng chân nhưng khi mặc cùng áo dài lại quá thanh thoát, không cân xứng với tà áo và ống quần rộng.

Giày bít mũi nên chọn gót chắc chắn để chân không bị đau khi đi lại nhiều. Nói chung khi mặc áo dài, giày phải gọn và thanh mảnh.

Trang sức: Đồ trang sức tạo điểm nhấn và phải phù hợp với kiểu hoặc trang trí trên áo dài.

Thông thường, trang sức phù hợp nhất với áo dài là vàng. Có thể cân nhắc kết hợp khi mặc áo dài với kiềng, vòng tay, dây chuyền, hoa tai… kiểu dáng từ trẻ trung tới cổ điển.

Kiểu tóc: Các kiểu tóc vấn cao, uốn lọn xoăn, thả tự nhiên, tết đều thích hợp khi mặc áo dài.

Lưu ý: Phải có áo ngực đẹp và chuẩn dành riêng cho áo dài.

 

 

 

Phan Thị Thúy Liễu
Nguồn:doanhnhansaigon