Hãy khám phá tận cội nguồn của tội lỗi…

 

 

 

Cái thiện bao trùm toàn bộ cuộc sống con người, có mặt ở mọi ngóc ngách của đời sống. Ở đây chúng ta chỉ nói về sự cho. Cho là một điều thiện và cái đối nghịch với nó, trộm cướp là cái xấu, cái ác. Thế nên việc cho được gọi là việc từ thiện.

Phật giáo là con đường của sự thiện, từ những sự thiện có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu đến sự thiện tối hậu. Đó là con đường của sự thiện, nghĩa là con đường của hạnh phúc. Hạnh phúc vừa tự thân đồng thời hạnh phúc cho người khác. Hạnh phúc của Phật giáo không phải là một hạnh phúc tĩnh tại, không hành động. Nhưng làm sao có thể vừa hành động vừa giải thoát? Hành động là karma, là nghiệp. Dù là hành động tốt, nghiệp tốt, vẫn là sự trói buộc.

Làm thế nào để hành động, nghĩa là tạo ra nghiệp, mà vẫn giải thoát khỏi ‘cái ta đang hành động tốt’, vẫn tự do và hạnh phúc? Làm thế nào để có được sự đồng thời hạnh phúc của chính mình và của người khác? Chẳng phải cái gì chúng ta cho đi thì cái ấy mất mát nơi chúng ta sao? Có thể nào có thứ hạnh phúc mà càng cho đi thì càng có nhiều thêm? Nhưng với Phật giáo, hạnh phúc thật sự thì phải như vậy. Như thế mới nói đến chuyện lợi mình lợi người và đồng thời hạnh phúc cho cả hai bên.

Tình thương thì nằm ngoài mọi khoa học, vì chẳng có ngành khoa học nào cân đo đong đếm được tình thương nơi một con người. Công thức E=mc2 nổi tiếng chỉ có thể tạo ra năng lượng từ những lò phản ứng nguyên tử, nó không thể tạo ra tình thương. Nhưng tình thương lại là cái làm cho con người có nhiều tình người hơn, hoàn thiện hơn, là nền tảng để con người sống, để có xã hội con người. Tình thương thì nằm ngoài mọi khoa học, nhưng nằm trong Phật giáo.

Con người ngày nay rất tiến bộ về vật chất và về ý thức, nhưng về mặt tinh thần hay tâm linh thì yếu kém. Một bằng chứng: chưa bao giờ dân số trái đất đông như thế, nhưng cũng chưa bao giờ những nhà văn hóa lớn, là tiếng nói và lương tâm của một thời đại, và những vị thánh của tất cả các tôn giáo, lại thiếu thốn đến thế. Để phục hưng con người, chúng ta cần phục hưng ý thức về tội lỗi, vì ý thức về tội lỗi là cái để tự hoàn thiện mình, để tự điều chỉnh mình (điều thân và điều tâm, nói theo Phật giáo), để đưa thân khẩu ý tầm thường và nhiều lầm lỗi thành một thân khẩu ý hoàn thiện. Sự phục hưng ấy sẽ không chỉ ảnh hưởng ở đời sống tinh thần, mà còn ở đời sống ý thức, cho đến đời sống thân xác vật chất. Xã hội chỉ có và càng có tính người khi xã hội có và càng có ý thức về tội lỗi.

Nhưng chẳng lẽ cuộc đời này và các đời sau nữa chỉ là chuyện vay trả, trả vay, dù là vay trả trả vay toàn là nghiệp tốt? Đạo Phật không những chỉ dạy đạo làm người (nhân đạo) là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (các điều ác chớ làm, các điều thiện hãy làm), mà còn dạy con đường giải thoát giác ngộ. Bởi thế sau hai câu trên, Đức Phật dạy câu cuối cùng: “Tự tịnh kỳ ý” (Hãy tịnh hóa tâm ý mình).

Chúng ta không chỉ tránh tội lỗi, làm điều tốt lành, mà còn khảo sát, tìm kiếm đến tận cội nguồn của tội lỗi để nhổ gốc nó. Cội nguồn của tội lỗi nằm trong tâm ý. Để hết sạch tội lỗi che chướng chúng ta, làm chúng ta vô minh u tối, chúng ta cần tịnh hóa tâm ý mình. Chính tâm ý quyết định chúng ta sống trong phiền não khổ đau hay trong an lạc giải thoát.

Trích từ cuốn Con người toàn diện, hạnh phúc toàn diện của tác giả Nguyễn Thế Đăng, Thahabooks ấn hành