Không hẹn mà gặp, cùng lúc có hai triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, đó là “Gặp lại Sài Gòn” của họa sĩ Nguyễn Trịnh Thái đến từ Hà Nội và “Son” của nhóm bốn họa sĩ Nguyễn Thành Quốc Thạnh, Võ Nam, Phạm Thanh Toàn và Nguyễn Ngọc Liêm.
Với Nguyễn Trịnh Thái, đây là triển lãm cá nhân thứ 17 của ông, cũng là con số đáng nể đối với một họa sĩ cao niên, có tuổi nghề gần nửa thế kỷ. Riêng với đất Sài Gòn ông có rất nhiều kỷ niệm khi còn là họa sĩ thiết kế của Hãng Phim truyện Việt Nam, nơi ông từng sống suốt bốn năm khi bộ phim Biệt động Sài Gòn được quay tại đây và nhiều quãng thời gian khác với nhiều bộ phim khác. Đó cũng là nơi ông từng vẽ rất nhiều tranh và cũng bán được rất nhiều tranh vào giai đoạn còn nhiều khó khăn với giới họa sĩ. Ông là người được coi là “có duyên” bán tranh: các triển lãm (cá nhân hay nhóm họa sĩ) đều có nhiều tác phẩm được gắn nơ. Thậm chí, trong một triển lãm cá nhân cách đây hơn bốn năm, phòng tranh với khoảng 30 bức của ông đã gần như được khách thưởng ngoạn “vét sạch” trước ngày bế mạc! Với “Gặp lại Sài Gòn” cũng vậy, phòng tranh trước giờ khai mạc đã có người đặt mua và chỉ sau hai ngày mở cửa tác giả đã bán được 12 bức, nhiều bức đã phải giao cho khách mua tranh ngay trong triển lãm “để họ kịp trang điểm cho ngôi nhà mới”, theo lời họa sĩ. Có thể, khi phòng tranh bế mạc vào ngày 16-7 tới đây, sẽ có thêm nhiều bức trong tổng số 43 tranh của triển lãm “Gặp lại Sài Gòn” đến với các chủ nhân mới.
Phần lớn tranh trong “Gặp lại Sài Gòn” vẫn là những cảm xúc thăng hoa của tác giả khi đến nhiều vùng cao Tây Bắc, với ruộng bậc thang vào mùa đổ nước, với những chợ phiên đầy màu sắc sản vật và thổ cẩm, với những nếp nhà sàn yên ả giữa núi đồi sương khói… Gần hơn là cảnh thu vàng rạo rực, đêm hoa sữa ngát hương và con phố vắng trong ngày mưa Hà Nội, hoặc bên bờ Tam Bạc quê nhà Hải Phòng của tác giả. Cũng không thiếu chân dung một người nữ, một mối tình đã thành dĩ vãng, một kỷ niệm đẹp của đời người nghệ sĩ. Có đôi bức trừu tượng điểm xuyết nhưng rõ là không phải thế mạnh hay tính cách nghệ thuật của Nguyễn Trịnh Thái.
Sôi động hơn, tưng bừng hơn trong ngày khai mạc 6-7 là triển lãm “Son +”, với tranh của hai thế hệ thầy và trò Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Hai tác giả Nguyễn Thành Quốc Thạnh và Võ Nam đem đến phòng tranh những tác phẩm sơn mài có thể gọi là lão luyện về mặt kỹ thuật của hai ông. Đáng chú ý hẳn là loạt tranh phong cảnh với một bảng màu hết sức đặc biệt, riêng biệt của họa sĩ Nguyễn Thành Quốc Thạnh. Những Đắk Lắk, Nha Trang, Hạ Long… hoành tráng, mênh mang đem đến nhiều cảm xúc thi vị; đơn giản hơn là những cánh đồng yên bình trong nắng, những tháp chuông nhà thờ lặng lẽ trong đêm… cũng gây được ấn tượng khó quên. Có thể nói tranh sơn mài Nguyễn Thành Quốc Thạnh đã đến tầm cổ điển mà vẫn thật gần gũi với người xem. Ở một cực khác là những tìm kiếm cách thức biểu đạt mới theo ngôn ngữ Biểu hiện, với chất liệu sơn mài của họa sĩ Võ Nam, người thầy của nhiều lớp họa sĩ trẻ muốn tiếp nối những giá trị truyền thống, cũng là một tác giả quen thuộc của nhiều triển lãm sơn mài tại Sài Gòn trong thời gian qua.
Hai họa sĩ trẻ Phạm Thanh Toàn và Nguyễn Ngọc Liêm mỗi người một vẻ, đem đến không khí tươi trẻ cho triển lãm. Ngọc Liêm với loạt tranh mini bột màu và màu nước vẽ phong cảnh, tĩnh vật giản dị nhưng gợi cảm, đáng yêu. Nếu tranh được bày thành từng mảng với cách sắp xếp hợp lý thì hiệu quả thẩm mỹ chắc chắn sẽ cao hơn. “Son +” là một sự kết hợp đẹp của thầy và trò, của thế hệ họa sĩ tuổi 60 và 30, nói như họa sĩ Siu Quý, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Theo doanhnhansaigoncuoituan.com.vn