Nhưng “nhân tố X” ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nhà thiết kế chính là Nghệ thuật (nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc, điện ảnh, kiến trúc). Nghệ thuật có ảnh hưởng lớn đến nền văn hoá và thị hiếu thẩm mỹ của con người. Vậy nên không có gì lạ khi chúng ta dễ dàng nhận ra các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trong thời trang hiện đại.
Man Ray được biết đến như một nghệ sĩ, một nhà làm phim và một nhiếp ảnh gia tên tuổi. Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của ông là “Le Violon d`Ingres”, tác phẩm này đã xuất hiện trong bộ sưu tập thu đông 2011-2012 của nhà thiết kế lừng danh người Pháp Jean Charles de Castelbajac, chính hình ảnh nền tảng từ bức ảnh “Le Violon d`Ingres” đã giúp bộ sưu tập này gây được tiếng vang lớn.
Nếu ai yêu thích nghệ thuật của đất nước mặt trời mọc, thì chắc hẳn không mấy lạ lẫm khi nghe đến “The Great Wave off Kanagawa” (tạm dịch: Sóng dữ ngoài xa Kangawa), một trong những bản khắc gỗ nổi tiếng của Nhật thời kì Edo, mô tả một ngọn sóng khổng lồ gần như phủ trùm qua núi Phú Sĩ. Và đây chính là chủ đề của chương trình Christian Dior Spring 2007 couture. Nhà thiết kế John Galliano đã mô tả lại bản in nổi tiếng này trên các thiết kế của ông.
Nghệ thuật hình học độc đáo trong “Wiener Werkstätte” của nhà thiết kế đồ hoạ nổi tiếng đầu thế kỉ XX Josef Emanuel Margold lại mang đến nguồn cảm hứng cho nhà thiết kế thời trang Peter Dundas trong bộ sưu tập Emilio Pucci Fall-Winter 2013-2014.
Khi xem những bộ phim về giới quý tộc Anh hay các nàng công chúa với chiếc váy bồng bềnh, hẳn phải hơn một lần bạn thắc mắc làm sao mà những cô nàng thế kỉ 19 này lại có những chiếc váy ấn tượng như thế? Vậy hãy xem bộ sưu tập thu đông 2008-2009 của nhà thiết kế Jean-Paul Gaultier, người nổi tiếng với việc thường xuyên đan cài các yếu tố lịch sử vào các thiết kế của mình. Bằng việc mô phỏng lại khung váy bồng phía sau mũ cô dâu, Jean-Paul Gaultier đã cố gắng “buộc” thời trang của thời đại Victoria với văn hoá hiện đại. Đây hẳn nhiên là một ý tưởng có ý nghĩa và cực kì sáng tạo.
Ngay sau chương trình Jeremy Scott Fall Winter 2013-2014, nhà thiết kế Jeremy Scott đã bị cáo buộc sử dụng trái phép các công trình đồ hoạ thuộc gia đình Phillips Santa Cruz trong các thiết kế của mình. Gia đình Phillips sản xuất đồ hoạ và thiết kế của họ có mặt trên hầu hết các sản phẩm được bán ở Santa Cruz Skateboards.
Được biết đến là một trong ba người đồng sáng lập hội “the Pre-Raphaelite Brotherhood”, hoạ sĩ John Everett Millais đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng, một trong số đó, bức chân dung “The Bridesmaids” đã được Jean-Charles De Castelbajac in trên thiết kế của mình. Tuy nhiên nhà thiết kế đã sử dụng một dấu thập lớn che đi khuôn mặt của cô gái.
Nhà thờ Monreale nằm tại Sicily Palermo nổi tiếng là công trình kiến trúc Norman còn sót lại trên thế giới. Vua William II đã cho xây dựng nhà thờ này nhằm tôn vinh Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Bộ đôi nhà thiết kế Dolce & Gabbana đã lấy cảm hứng cho bộ sưu tập thu đông 2013-2014 từ đảo Sicily và in hình ảnh vua William II tôn kính dâng nhà thờ lên Đức Mẹ lên một trong những thiết kế của họ.
Hoạ sĩ người Mỹ Jame Abbott McNeil Whistler đã từng mang tác phẩm “Mẹ của Whistler” của ông đến triển lãm của Học viện nghệ thuật London 1872, nhưng bị học viện từ chối. Thành công chỉ đến với ông khi 19 năm sau, bức tranh được mua lại bởi bảo tàng Luxembourg ở Paris và được xem như là một biểu tượng có giá trị về gia đình và người mẹ. Và bức tranh này chính xác là hình ảnh quảng bá của chiến dịch quảng cáo Christian Louboutin Fall-Winter 2011-2012. “Mẹ của Whistler” đã xuất hiện bên cạnh đôi giày đế đỏ huyền thoại.
Bức ảnh của cô mẫu Penelope Tree, biểu tượng thời trang của những năm 60 lại chinh phục nhiếp ảnh gia nổi tiếng Peter Lindbergh, khiến ông quyết định tái tạo lại hình ảnh huyền thoại Penelope. Nữ người mẫu Gisele Bundchen trong chiếc váy Giorgio Armani và vòng cổ Roberto Cavalli đã được nhiếp ảnh gia chọn thực hiện vai trò này. Bức ảnh ngay sau đó đã được chọn đăng trên tạp chí Bazaar Harper danh tiếng năm 2009.
Biên tập viên thời trang huyền thoại một thời của Bazaar Harper, nguyên tổng biên tập tạp chí Vogue, người phụ trách của Costume Institute- Diana Vreeland- thường được gọi là nữ hoàng thời trang. Trong lễ kỉ niệm sự nghiệp của bà, nữ diễn viên Sarah Jessica Parker đã “tái sinh” hình ảnh biên tập viên thời trang huyền thoại, để nhiếp ảnh gia Peter Lindbergh có một bộ ảnh mê hoặc trên Bazaar năm 2009.
Phạm Trang
Nguồn: maskonline