“Không phải nhà thiết kế nào cũng dám gắn cho váy áo của mình cái mác Haute Couture”.
“Haute Couture” là gì?
“Haute Couture” là một thuật ngữ tiếng Pháp chỉ dòng quần áo thời trang đắt tiền dành cho các quý bà, quý cô. “Couture” nghĩa là “may vá”, “thời trang”. “Haute” biểu thị sự thanh lịch, tinh xảo, cao cấp. Haute Couture như là một tấm gương phô bày cuộc sống thượng hạng, nơi cả vật chất lẫn nghệ thuật cùng thăng hoa.
Người đầu tiên khởi xướng ra Haute Couture là Charles Frederick Worth, một nhà thiết kế người Anh, làm việc tại Paris vào khoảng giữa thế kỷ 19. Ông nổi tiếng từ khi trở thành nhà thiết kế trang phục cho hoàng hậu Eugéne (1826-1920) – vợ của hoàng đế Napoleon III. Chính từ khởi thủy này, Haute Couture vĩnh viễn gắn chặt số mệnh với giai tầng xã hội cao cấp và hình thành nên những định kiến vững chắc bất biến: Haute Couture là đặc quyền trưng trổ của giới siêu nhà giàu, là tinh hoa của nghệ nhân bậc thầy và cuộc chơi không tiền khoáng hậu của những khối óc thời trang tài ba.
Năm 1945, thời trang Haute Couture bắt đầu có những luật lệ riêng. Qua nhiều năm, những quy luật này càng được cập nhật để theo kịp thời đại. Ngày nay tại Pháp, các nhà mốt Haute Couture phải đạt đúng tiêu chuẩn do Phòng công nghiệp và thương mại Pháp và Hội đồng các nhà Couture Pháp đặt ra. Những tiêu chuẩn bao gồm: Thiết kế theo đơn đặt hàng chuyên biệt; Có một xưởng may ở Paris với ít nhất 50 nghệ nhân làm việc toàn thời gian, có ít nhất 20 thợ lành nghề làm việc tại mỗi xưởng thiết kế (nằm ngoài Paris); Mỗi một mùa phải giới thiệu 1 bộ sựu tập gồm ít nhất 35 mẫu công khai với báo giới Paris, bao gồm cả trang phục ban ngày và dạ tiệc.
Những người “bán giấc mơ”
Khi một người quyết định trở thành khách hàng Haute Couture, việc đầu tiên mà vị khách cần làm không phải là bay đến Paris, mà là đặt hẹn. Mục đích của hành động này nhằm giúp ngôi nhà thời trang có đủ mọi mẫu nguyên vật liệu sẵn sàng cho quý khách đó. Một sản phẩm được làm từ những chất liệu cao cấp nhất, từ những bàn tay lành nghề nhất, không thể có cái giá rẻ, thậm chí giá lên đến mức không tưởng. Giá những món đồ Haute Couture thường từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đô tùy theo thiết kế và độ tỉ mỉ, hoành tráng của trang phục. Mức giá mà người mua bỏ ra không gì hơn là một sự đền đáp xứng đáng. Bởi nó là thành quả của đội ngũ lao động tuyệt đỉnh như trên cùng nền chất liệu duy nhất và tiên tiến nhất trên thế giới, rồi được trang trí bằng phụ liệu quý hiếm.
Mỗi sản phẩm thời trang thuộc dòng Haute Couture đều là độc bản, được thiết kế và may theo số đo riêng của khách hàng quyền quý. Làm hoàn toàn bằng tay nên một sản phẩm thuộc dòng Haute Couture tiêu tốn khá nhiều thời gian của các nhà thiết kế. Mất từ 100 đến 150 giờ để làm ra một bộ comple cao cấp bằng tay và hơn 1.000 giờ cho một chiếc váy dạ hội với hàng nghìn mũi khâu của khoảng 20 thợ lành nghề. Chỉ có khoảng 2.000 – một con số khá khiêm tốn – các quý cô và quý bà trên toàn cầu sẵn lòng chi những khoản tiền khổng lồ cho Haute Couture. Đặc biệt, váy cưới của Hoàng gia, giới thượng lưu, quý tộc hay các nhân vật nổi tiếng hầu hết là các mẫu váy Haute Couture.Thế nên trong các bộ sưu tập Haute Couture luôn có ít nhất 1 mẫu váy cưới.
Những người làm thời trang gọi việc bán các thiết kế Haute Couture là “bán giấc mơ” – một giấc mơ vô hình về cái vẻ đẹp tuyệt mỹ và những ước muốn, khao khát của con người vươn tới đỉnh cao của sự xa hoa, lộng lẫy.
Chóp vàng kim tự tháp thời trang
Ngày nay, các bộ sưu tập Haute Couture thường không làm để bán mà chỉ để trình diễn tại các tuần lễ thời trang hai lần trong năm. Chúng được xem như những tác phẩm nghệ thuật, thể hiện tài năng sáng tạo không giới hạn của các nhà thiết kế. Các nhà sản xuất nhận được rất ít lợi nhuận từ đồ Haute Couture. Chi phí sản xuất khổng lồ cộng với lượng khách hàng quá nhỏ khiến số lượng Haute Couture giảm đi đáng kểdo chịu lỗ quá nhiều. Chanel được xem là nhà tạo mốt Haute Couture lâu đời nhất còn hoạt động. Hãng bắt đầu có các thiết kế Haute Couture từ năm 1913.
Tuy doanh thu từ Haute Couture là không đáng kể, chỉ mang lại dưới 10% tổng lợi nhuận của thương hiệu, thậm chí khiến họ thua lỗ nhưng nó đóng vai trò như một kiểu quảng cáo hiệu quả cho đẳng cấp của các nhà thiết kế.Bởi một show diễn Haute Couture có tầm ảnh hưởng hơn so với những hình thức quảng bá khác có mức phí tương đương. Một số hãng dù thua lỗ vẫn cố trụ lại với Haute Couture bởi đây là một nguồn đầu tư lâu dài giúp quảng bá thương hiệu đồng thời khiến khách hàng chú ý hơn tới các bộ sưu tập ứng dụng sau đó.Có thể nói Haute Couture là sàn trình diễn sức mạnh tài chính của các hãng. Lấy Versace làm ví dụ. Thương hiệu này gần như sụp đổ vào khoảng năm 2000 và cũng ngừng làm Haute Couture trong khoảng 8 năm. Khi tái xuất vào năm 2012, Versace được đánh giá có khả năng tài chính vững mạnh.
Với Haute Couture, mọi thứ thật rõ ràng, đó không chỉ là câu chuyện của giấc mơ, của sức quyến rũ khó cưỡng, mà hơn hết, Haute Couture còn là câu chuyện của chóp vàng kim tự tháp vinh quang.
Thực hiện: Trâm Anh
Theo Lifestyle