Lạc mình vào xứ sở lá Bàng buông

Nằm ẩn mình ở biên giới Hoa Lư cách TP.HCM khoảng 150 km, dọc theo theo Quốc lộ 13 về xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước là “đại bản doanh” của làng phơi lá buông được hình thành cách đây 15 năm. Những người dân tứ xứ đã biến nơi đây trở thành “thiên đường” của một màu xanh lá mạ.

Những chiếc lá trông giống lá dừa, có người nói nó giống như lá cọ, lá thốt nốt nhưng thực ra nó là lá bàng buông (lá buông). Loại lá này được các chủ vựa cho người đi lấy từ rừng Campuchia mang về Việt Nam rồi giao cho người dân ở đây phơi khô. Để phơi với số lượng lớn, người dân thiết kế các giàn phơi bằng cây xà cừ, tre nứa cao gần 2 m. Cứ thế, lá buông được phơi trên các giàn treo nối tiếp nhau dài hàng trăm mét khiến cho bất cứ ai đi qua cũng bị lôi cuốn bởi một màu xanh bạt ngàn.

1-1
Làng nghề phơi lá buông giống như một “thiên đường” của một màu xanh lá mạ mộc mạc và giản dị.

Anh Hai Tính, một trong những người đầu tiên về làng lập nghiệp, cho biết: “Hồi ở dưới quê, làm ruộng hoài mà không có ăn, nên gia đình tôi kéo nhau lên đây làm thuê cho người ta để kiếm sống rồi cất chòi và sinh sống ở đây. Sau này, các chủ thương Bình Định kéo về đây thuê người phơi lá nên làm thử. Thấy có đồng vào, đồng ra nên chúng tôi quyết định theo đuổi nghề này luôn, chứ ban đầu lên đây cũng không nghĩ sẽ gắn bó với vùng biên giới xa xôi này lâu như vậy”.

Những người dân kể lại, thời đầu lập làng rất vắng vẻ, chỉ khoảng 5 – 10 hộ, chủ yếu là các chòi lá tạm bợ với nghề phơi lá buông. Về sau, người từ các tỉnh khác lần lượt kéo nhau về ngày càng đông rồi bám nghề cho tới nay.

Do đặc thù của nghề phơi lá buông phải phụ thuộc vào thời tiết nên trong những ngày này, nắng to công việc của người dân nơi đây đang trong thời điểm bận rộn nhất.

Ông Hải, quê ở Tây Ninh, cũng là một người sinh sống ở đây từ ngày đầu mới lập làng, cho biết: “Phơi lá coi vậy mà không phải đơn giản, người làm phải quen tay mới xé lá được, không cẩn thận là rách hết lá. Những ngày nắng to, nhà tôi phải trở mặt lá liên tục, nắng quá thì sợ lá giòn, còn non nắng thì lá lại mau hư”.

Ước tính, cứ 10 kg lá tươi cho ra 3-4 kg lá khô và sau 3-4 ngày mỗi hộ dân phơi được khoảng 1 tấn lá, thu được 800.000 đồng. Những chiếc lá buông sau khi phơi khô sẽ được các thương lái thu mua rồi nhập cho các xưởng chuyên gia công làm hàng mỹ nghệ như: nón, giỏ xách…

Vào những ngày cuối năm, công việc của người dân lại càng nhiều, lượng lá nhập về mỗi lúc một tăng. Dưới áp lực của công việc, cơm áo gạo tiền, nhưng trên gương mặt của mỗi người dân nơi đây vẫn luôn chứa đựng sự chân tình, niềm vui, say mê công việc.

2-1
Lá buông tươi được chặt từ rừng Campuchia rồi đóng thành bó mang về nước để phơi khô.
3-1
Trước khi mang ra phơi, người dân phải tách từng lớp lá…
4
… rồi mang ra phơi
5
Khi lá được phơi khô tạo thành một màu vàng nhạt bắt mắt
6
Ông Hải đóng bó sau khi lá được phơi khô.
8-1
Sử dụng máy kết thành bó lớn.
9
Và đây là thành phẩm trước khi giao cho chủ vựa.
10
Lá buông được phơi trên các giàn treo nối tiếp nhau dài hàng trăm mét khiến cho bất cứ ai đi qua cũng bị lôi cuốn bởi một màu xanh bạt ngàn.

Theo nguoitieudung.com.vn